Theo lời người phát ngôn, vụ tấn công được cho là do các lực lượng dân quân có liên hệ với Iran ở Iraq gây ra. Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Kể từ cuộc tấn công của một nhóm vũ trang Hồi giáo Shi'ite có liên hệ với Iran nhắm vào lực lượng Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Iraq và Syria vào tháng 10-2023, đây được cho là vụ tấn công tên lửa đầu tiên nhắm vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Hoạt động dưới ngọn cờ của phong trào kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, các nhóm vũ trang đã thực hiện hơn 70 vụ tấn công nhằm phản đối sự hỗ trợ của Washington đối với Israel trong cuộc xung đột Israel - Hamas.
"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Chính phủ Iraq, như chúng tôi từng kêu gọi nhiều lần trước đây, làm tất cả trong khả năng để bảo vệ nhân viên và cơ sở của các đối tác ngoại giao và đối tác trong Liên quân đa quốc gia - Iraq", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Bên cạnh các nhân viên ngoại giao, Mỹ còn có khoảng 2.500 binh sĩ đồn trú tại Iraq cho các nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ lực lượng địa phương nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
"Chúng tôi nhắc lại rằng chúng tôi có quyền tự vệ và bảo vệ nhân viên của mình ở bất cứ đâu trên thế giới", người phát ngôn nói thêm.
Cùng trong ngày 8-12, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudan kêu gọi lực lượng an ninh Iraq truy lùng hung thủ đứng sau vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ. Ông Shia al-Sudan cho rằng không có lý do chính đáng nào cho vụ tấn công.
Trong thông cáo, ông Shia al-Sudan cũng nhấn mạnh việc phá hoại sự ổn định, an ninh nội bộ và danh tiếng chính trị của Iraq là "hành động khủng bố".
Ngày 20-7, hàng trăm người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq để phản đối vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển.