Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh anh Hàng Hớn Nguyên gầy gầy, cao cao, chiếc áo sơ mi màu xanh bỏ vô quần ngay ngắn, tay xắn đến khuỷu, chân mang đôi sa pô mòn cũ, tất bật leo lên lầu 4, vào căn phòng tập thể gia đình tôi ở.
Anh Hớn của gia đình
Đó là những năm 1980 bao cấp khắc nghiệt. Cứ năm ba tháng, từ Nha Trang anh lại bươn bả vào TP.HCM xuất hiện ở nhà tôi, rút trong túi quần ra một gói giấy lịch nho nhỏ được buộc kỹ bằng sợi dây thun.
Mở ra, trong đó là một chiếc nhẫn vàng, có khi 5 phân, có lúc một chỉ, hai chỉ. Anh lạnh lùng nói: "Cất giùm tao"...
Lúc bấy giờ anh đang gầy dựng lại quán ăn Lạc Cảnh (do ông bà trong họ để lại) với món bò nướng đặc biệt, căn nhà thuê đủ xếp bốn, năm cái bàn cũ, khách khứa chẳng bao nhiêu.
Mấy năm sau, như mọi lần, anh lại xuất hiện. Lần này anh "ra lệnh": "Phải mua nhà dưới đất, ở lầu cao vầy, nước non không có, không chịu nổi đâu".
Anh bảo mang hết số nhẫn vàng anh đã gửi ra đếm, được 34 chỉ, và lùa hết về phía tôi: "Đó, tao để dành cho hai đứa bay mua nhà, thiếu thì mượn thêm, chớ tao cất làm chi"...
Rồi anh tiếp tục dành dụm xây lại nhà cho mẹ và gia đình anh cả tôi đang ở một căn hộ nhỏ cũ cũng do anh mua lại trước đó.
Khi quán Lạc Cảnh dần được truyền miệng trong khách du lịch Nha Trang, có thêm điều kiện, anh lo tiếp cho anh em bà con bên ngoại, bên nội, rồi cả những người nghèo vùng quê Vạn Tượng, Trà Bồng của chúng tôi.
Bạn bè, làng xóm anh đều coi như người thân thích. Gặp lúc khó khăn hoạn nạn, anh đưa tay cưu mang, giúp đỡ, góp phần mình: nhà cửa, vốn liếng, xe cộ, bày vẽ cách làm ăn...
Có cô em bỏ làng lên vùng núi lập nghiệp, nhiều năm vẫn đói rách, con cái leo nheo, anh đưa về Nha Trang cắt cho một mảnh đất, mở cho một tiệm tạp hóa; những cháu học sinh nhà nghèo có nguy cơ bỏ học, anh đưa về quán Lạc Cảnh, xin cho đi học, phân việc cho làm, cho đến khi trưởng thành, rồi dựng vợ gả chồng...
Người bạn Đinh Quang Tuyết đọc bài thơ điếu anh Hàng Hớn Nguyên của tôi liền tâm sự: "Lúc gia đình em sa cơ, chú cưu mang giúp đỡ, nhờ vậy các cháu có điều kiện học hành nên người...". Người em Bùi Nguyên Kha kể: Năm 1969, 20 tuổi, trốn lính, tôi dạt vào Nha Trang. Nhớ quán số 2 Lạc Cảnh có anh trai người bạn học, tôi tìm đến, gặp anh Hớn, được anh coi như em trai, lo việc ăn ở, tìm chỗ cho dạy kèm. Gần một năm sau, mấy người bạn nữa cũng thay đổi tên để trốn lính, anh lại thuê nhà, sắp xếp việc ăn ở để chúng tôi học thi lại tú tài...
TRẦN THOẠI NGUYÊN
Triết lý của ông chủ quán
Anh mất, tôi vội vã trở về. Trong căn phòng nhỏ, mười mấy người nam có nữ có chen ngồi kín quanh giường, mắt ai cũng đỏ hoe, có người khóc sụt sùi. Hỏi, tôi mới biết đó đều là những người từng làm công ở quán Lạc Cảnh Nha Trang, có người đã làm từ 15 - 20 năm trước.
Giờ đây người ở Bình Định, Phú Yên, người ở Phan Thiết, Ninh Thuận, Gia Lai, nhưng ai cũng "nghe tin chú Hớn... là tức tốc về đây".
Mỗi người đều nhắc nhớ về anh trong dòng nước mắt: "Hồi đó, cha tôi bị tai nạn nặng lắm, anh Hớn đã...", "Hồi đó con tôi bị lớn tim, chú Hớn đã...", "Hồi đó mẹ tôi bị bệnh không qua khỏi, chú Hớn đã..."... Cứ như vậy, những câu chuyện được kể và những giọt nước mắt rơi xuống.
Không biết từ bao giờ anh có một suy nghĩ đã nhiều lần nói với tôi như triết lý sống: mỗi người sinh ra không ai giống ai; hoàn cảnh, môi trường lớn lên khác nhau; người làm được cái này cái nọ, người chỉ dùng sức mình kiếm đủ một bữa ăn; người khỏe mạnh, người ốm đau, tật nguyền.
Nếu ai đó được trời cho chút lanh lợi, chút khả năng để biết suy tính làm ăn, có được cơ hội và kiếm được đồng tiền dư dả thì đồng tiền ấy không phải để mình tiêu xài tất cả mà là thông qua mình để sẻ chia cho những người khốn khó khác...
Quả thật, cả một đời, từ thuở mười tám đôi mươi, anh đã sống như vậy.
Từ ngày khó khăn gầy dựng lại quán Lạc Cảnh, hai bàn tay anh lao động không ngừng nghỉ: một bàn tay chắt chiu, dành dụm phát triển quán, xây dựng thương hiệu; một bàn tay đem hơi ấm cho người xung quanh.
Từ căn nhà thuê nhỏ với mấy cái bàn, dần dần anh thuê mặt bằng lớn hơn ở Chợ Đầm, rồi mua miếng đất tự xây quán... Bò nướng Lạc Cảnh Nha Trang trở nên nổi tiếng khắp cả nước.
Thuyền lên nước lên, bàn tay kia của anh càng có cơ hội xoa dịu nhiều cảnh đời, nhiều số phận...
Vậy nhưng anh không dành bàn tay nào cho chính mình. Anh không vợ, không con, không hưởng thụ.
Mãi cách đây bốn năm, khi cải tạo quán cũ thành nhà ở, anh mới chịu dành một phòng ngủ nhỏ cho riêng mình.
60 năm ròng, phòng của anh chính là quầy đón khách của quán Lạc Cảnh với một ghế bố, một bàn nhỏ, một tủ nhỏ xếp gọn bên trong. Chiếc tủ anh đựng bốn năm bộ áo quần, chiếc bàn anh ngồi điều hành cả sự nghiệp và làm thơ, viết nhạc.
Những bài nhạc Chiêm bao con thấy Mẹ về, Sóng đông, Vạn Tượng ơi... của anh vẫn đang tha thiết trên YouTube, Nhaccuatoi. Tối, ông chủ nhà hàng lớn ấy mở ghế bố làm giường, ngả lưng cạnh những chiếc giường khác của các cháu phục vụ. Đến bữa, anh chung bàn chung mâm với nhân viên...
Nhiều người nói: Ông chủ Lạc Cảnh tiền để đâu cho hết. Quả thật, nếu dành một bàn tay lo cho mình, anh có thể du lịch khắp thế giới, có thể tậu xe sang. Nhưng không, anh vẫn đi chiếc xe máy cũ, chưa hề mặc một bộ đồ hàng hiệu, chưa hề bước vào một khu du lịch cao cấp mọc đầy cả Nha Trang.
Không có gì riêng, nhưng từ biệt cõi đời, anh lại có được một thứ - không đếm xuể, không chất hết - để mang theo: tình thương của mọi người. Di sản ấy của anh, chúng tôi sẽ giữ gìn, sẽ duy trì, sẽ phát triển...
Ông chủ hiền của thương hiệu du lịch Nha Trang
Thương hiệu bò nướng Lạc Cảnh Nha Trang của ông chủ Hàng Hớn Nguyên được đăng ký thương hiệu độc quyền toàn quốc, du khách ta, Tây, Tàu, Hàn... khi đến Nha Trang đều tìm đến.
Giữ cách kinh doanh phục vụ tử tế để du khách đến Nha Trang phải tìm, rời Nha Trang còn nhớ... là cách đóng góp của anh Hớn cho danh tiếng chung của ngành du lịch Nha Trang - Khánh Hòa suốt mấy mươi năm qua...
Rất biết làm ăn nhưng một điều chắc chắn anh Hớn luôn rộng lượng, dễ dãi là trao tiền để giúp đỡ ai đó. Tôi làm báo Tuổi Trẻ, nhiều lần đi uống cà phê anh bảo: "Nề, gửi giùm anh ít tiền đến quỹ từ thiện của báo".
Khi Tuổi Trẻ đặt văn phòng tại Nha Trang, anh gửi nhiều đến chương trình Quà xuân tặng đồng bào nghèo.
Những khi Tuổi Trẻ trao học bổng Tiếp sức đến trường, danh sách sinh viên do văn phòng đề xuất bị "dôi dư", anh đồng ý "tiếp sức" ngay qua một cuộc điện thoại, dù đêm hay ngày.
Những lần tôi đi viết báo, gặp hoàn cảnh đáng thương cần giúp đỡ, kể với anh, vậy là hôm sau anh vui vẻ đi cùng đến tận nhà họ, mở túi áo lấy ra cục tiền đã chuẩn bị sẵn... Tôi làm báo cáo, anh lại dặn đừng ghi tên nhà Lạc Cảnh hay ghi tên anh làm gì.
Cứ vậy, suốt bao nhiêu năm anh âm thầm san sẻ, gieo yêu thương với biết bao hoàn cảnh khổ nghèo ở Khánh Hòa và nhiều nơi khác nữa. Chẳng bao giờ nói ra, hình ảnh thân thương của anh âm thầm lưu đọng trong tôi.
Cho đến giờ đây, tiễn biệt anh "cuối đường trần" khóe mắt cay cay, tôi mới nhận ra nó sâu nặng mức nào... Thương anh nhiều và thương lắm anh Hớn ơi...
TTO - Thương những cảnh đời khó khăn, anh Trần Anh Triết (ngụ quận 4, TP.HCM) - phó tổng giám đốc công ty đấu giá dầu khí, kiêm giám đốc hợp tác xã vận tải - đi xin quan tài cho người nghèo qua đời, trong đó có bệnh nhân tử vong vì COVID-19.