Họ đầu tư tiền túi và kêu gọi thêm nguồn vốn bên ngoài đầu tư vào chuyển đổi sang năng lượng sạch, bảo tồn các khu sinh thái tự nhiên, phòng chống thiên tai.
Không chỉ có tư nhân mà phần lớn nguồn tiền đến từ các chính phủ, các tổ chức tài chính và các ngân hàng đa phương cam kết rót hàng trăm tỷ đô la để bảo vệ môi trường. Chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính... là những mục tiêu vô cùng quan trọng, nhưng để đạt được thì cần tiền và rất nhiều tiền.
Tài chính xanh là gì?
Tiền nhiều để làm gì nếu như sau này bầu không khí trở nên độc hại, bão lũ thiên tai tàn phá những quốc gia xinh đẹp nhất, đe doạ sự sống của hàng triệu người? Từ những thành phố giàu có cho tới các khu ổ chuột, đều không thể tránh khỏi hậu quả của biến đổi khí hậu. Để chống biến đổi khí hậu, chúng ta rất cần sự thay đổi ý thức từ những cá nhân nhỏ bé nhất.
Theo như tính toán của ngân hàng thế giới World Bank, từ năm 2019 đến năm 2030, trên toàn thế giới, các quốc gia và vùng lãnh thổ phải chi tổng cộng tới 90 nghìn tỷ USD để chống biến đổi khí hậu. Số tiền là vô cùng lớn. Nhưng chúng ta cũng có rất nhiều việc phải chi tiêu.
Chỉ riêng việc xây dựng hệ thống năng lượng sạch, thay thế hoàn toàn dầu và khí đốt, cũng sẽ cần tới nguồn tiền khoảng 62 nghìn tỷ USD, theo một nghiên cứu mới của đại học Stanford. Năng lượng sạch ví dụ như các tấm pin năng lượng mặt trời, tuabin gió, hay năng lượng hydro.
Mỗi quốc gia đều có một con số của riêng mình. Sri Lanka ước tính rằng họ sẽ cần tới 100 tỷ USD để có thể giảm khí thải carbon về mức 0 vào năm 2040. Còn Ấn Độ cần nguồn đầu tư tới 13 nghìn tỷ USD để có thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thị trường trái phiếu xanh tăng trưởng mạnh tại nhiều quốc gia
Nằm trong khuôn viên Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tòa nhà mang tên SDE-4 được xem là tòa nhà xây dựng mới đầu tiên tại đảo quốc Sư tử đạt tiêu thụ năng lượng ròng bằng 0 - một trong nhiều dự án xanh mà NUS đang triển khai.
Ông Tan Kian Woo, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết: "Chúng tôi là đại học đầu tiên trên thế giới nhận được chứng chỉ Well về tòa nhà đạt tiêu chuẩn bền vững. Tòa nhà này được thiết kế và trang bị các hệ thống để đảm bảo tiêu thụ năng lượng thấp nhất có thể".
Để tài trợ cho các dự án xanh, NUS đã bắt đầu phát hành trái phiếu xanh kể từ năm 2020, và đã đạt thành công lớn khi huy động được hơn 220 triệu USD cho đợt phát hành đầu tiên.
Trên quy mô toàn cầu, loại hình trái phiếu xanh đã bắt đầu xuất hiện vào năm 2008, khi giới chức Ngân hàng Thế giới WB có ý tưởng về một loại công cụ tài chính hoàn toàn mới, chuyên cho các dự án chuyển đổi xanh, theo nhu cầu của giới đầu tư tại Bắc Âu.
Bà Heike Reichelt, Giám đốc Quan hệ nhà đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: "Các nhà đầu tư đang muốn tìm kiếm một sản phẩm đầu tư mới vừa thể hiện mối quan tâm về môi trường, vừa quen thuộc với danh mục của họ. Chúng tôi nhận thấy rằng họ chưa có bất kỳ sản phẩm trái phiếu nào về lĩnh vực này trong khi WB lại có rất nhiều dự án tài trợ bằng trái phiếu, nên đây là một ý tưởng hoàn hảo".
Sau 15 năm hình thành, thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đã có một bước tiến dài. Năm 2021, tổng lượng trái phiếu xanh và bền vững phát hành trên thế giới được phát hành đã chạm mốc kỷ lục gần 600 tỷ USD, và được kỳ vọng có thể chạm ngưỡng nghìn tỷ ngay trong thập kỷ này.
Trong khi Mỹ và các nước châu Âu vẫn là những nhà phát hành lớn, thị trường trái phiếu xanh đã bắt đầu ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Năm 2022, nền kinh tế số 2 thế giới đã chính thức vượt Mỹ để trở thành nước phát hành trái phiếu xanh lớn nhất toàn cầu với tổng giá trị 85 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng đang cam kết củng cố mạnh mẽ hơn nữa thị trường đầy tiềm năng này trong tương lai.
Bà Ursula Von Der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết: "Chúng ta cần cải cách hệ thống tài chính quốc tế để có một thị trường trái phiếu xanh mạnh mẽ và hoạt động định giá carbon hiệu quả hơn".
Dù vậy, một trong những vấn đề lớn được cảnh báo với trái phiếu xanh là tình trạng "green-washing", tức đưa ra các công cụ tài chính được quảng cáo là thực hiện các dự án xanh hoặc mục tiêu bền vững, nhưng chỉ để đánh bóng tên tuổi mà không có hiệu quả thực tế nào.
Theo các chuyên gia, cần có những tiêu chuẩn minh bạch và cụ thể, để nhà đầu tư và công chúng đánh giá được mục tiêu môi trường và chuyển đổi xanh của dự án, từ đó biết chắc chắn rằng, loại trái phiếu mà mình quan tâm đầu tư, có thật sự "xanh" hay không.
Có thể thấy, ngành tài chính không ngừng đổi mới, đa dạng hoá các sản phẩm để mở ra cơ hội phát triển tài chính xanh - bền vững. Và khi các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu xanh, họ không chỉ đang đầu tư để sinh lời, mà còn đầu tư cho lợi ích của thế hệ tương lai nữa.
Trái phiếu xanh, như chúng ta đã thấy, là một công cụ quan trọng trong việc phòng ngừa biến đổi khí hậu. Mà biến đổi khí hậu thì không phải vấn đề riêng của một quốc gia nào. Đây là mối đe doạ đối với toàn cầu, với cả các nước phát triển và đang phát triển. Nếu không hành động ngay bây giờ, thì con cái chúng ta sẽ phải gánh hệ quả nặng nề.
Nhiều cam kết tài chính được đưa ra ở COP 28
Sự kiện nổi bật nhất trong tuần qua là COP28. Trong 10 ngày qua, trước thực trạng cấp bách của biến đổi khí hậu, rất nhiều các cam kết tài chính cũng đã được các chính phủ và các ngân hàng đưa ra ngay trong khuôn khổ hội nghị.
Chủ nhà COP28 năm nay, các tiểu vương quốc Arap thống nhất cho biết, hơn 83 tỷ USD đã được huy động trong 5 ngày đầu tiên của sự kiện COP28. Trong đó, nổi bật là Ngân hàng Thế giới cho biết họ đặt mục tiêu tăng nguồn tài trợ cho khí hậu lên 45% tổng số khoản cho vay, tương đương với mức tăng 9 tỷ USD hàng năm.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết sẽ phân bổ 10 tỷ USD cho đầu tư khí hậu ở Philippines trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2029. Các ngân hàng UAE cam kết huy động khoảng 270 tỷ USD vào tài chính xanh. Và một quỹ hơn 700 triệu USD cũng đã được lập ra để giúp các nước nghèo hơn đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Ngân hàng thế giới WB cũng cho biết, họ sẽ mở rộng phạm vi của các Điều khoản về Nợ thích ứng với Khí hậu - để các quốc gia đang chống chọi với thiên tai sẽ được tạm dừng trả nợ.
Dự án xanh đem lại lợi nhuận cho thành phố tại Mỹ
Các dự án chống biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường sẽ tiêu tốn chi phí nhưng cũng sẽ đem lại lợi nhuận kinh tế nếu được thực hiện đúng cách.
Thành phố Lancaster, bang California, Mỹ, có 175 nghìn hộ dân. Từ năm 2009, thành phố này đã tích cực xây dựng một hệ thống năng lượng mặt trời. Cho đến nay, dự án này không chỉ thay đổi mạng lưới tiêu thụ năng lượng ở đây, mà còn thay đổi cả suy nghĩ của người dân.
Hành trình chuyển đổi xanh của thành phố Lancaster bắt đầu với một sự quyết tâm to lớn từ thị trưởng Rex Parris và hội đồng thành phố.
Ông Rex Parris, Thị trưởng thành phố Lancaster, nói: "Hồi mới bắt đầu chuyển đổi xanh, chúng tôi luôn bị chế giễu, bị ngờ vực là có làm được hay không. Nhưng bây giờ, từ dự án xanh này, thành phố đang kiếm được nhiều tiền hơn bạn có thể tưởng tượng".
Thị trưởng Parris đã bắt đầu bằng việc lắp đặt pin mặt trời trên toà thị chính. Năng lượng từ đó được dùng để thắp sáng các bóng đèn nơi công cộng. Điều này đã giúp tiết kiệm rất nhiều tiền cho thành phố. Chỉ riêng các trường học địa phương đã tiết kiệm được 1 triệu đô trong vòng 3 năm nhờ dùng năng lượng mặt trời. Tiền tiết kiệm được lại được dùng để lắp đặt các tấm pin mặt trời ở nhà dân. Dần dần, một hệ thống năng lượng sạch đã lan toả khắp thành phố. Các phương tiện công cộng như xe bus cũng được chuyển sang năng lượng hydro thay vì xăng dầu. Các doanh nghiệp lớn bị hấp dẫn và đặt trụ sở ở thành phố này vì chi phí tiền điện và nhiên liệu thấp hơn hẳn so với các địa phương khác.
Nhiều công ăn việc làm cũng được tạo ra. Khi mới bắt đầu dự án năng lượng mặt trời này 14 năm trước, tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố này là 17%. Năm nay, con số đó đã giảm chỉ còn có 6%.
Ông Rex Parris chia sẻ thêm: "Một khi sự sáng tạo và đổi mới bắt đầu, các mục tiêu trước mắt rất dễ dàng đạt được, và nó còn có sức lan toả mạnh hơn thế nữa".
Thị trưởng thành phố bắt đầu thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp quốc tế. Ông Parris đã tới Diễn đàn kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc, tới Trung Đông, và rất nhiều hội nghị năng lượng lớn. Theo một nghiên cứu được tạp chí Forbes đăng tải, thì lợi nhuận từ ngành công nghiệp năng lượng sạch có tiềm năng cao hơn so với năng lượng hoá thạch và năng lượng sạch cũng ít chịu biến động thị trường hơn so với dầu mỏ hay than đá. Hành trình để các quốc gia đạt net zero là rất dài và gian nan, nhưng có những câu chuyện thành công như thành phố Lancaster, để cho thấy đây không phải là một mục tiêu bất khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.9512521190213202-uah-ihk-iod-neib-gnohc-hnirt-hnah-ohc-cul-nougn-hnax-hnihc-iat/et-hnik/nv.vtv