Dẫn các nguồn thạo tin, Hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản cho biết một ủy ban liên quan đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã mở cuộc điều tra về sự liên quan của Đại sứ Han Tae Song trong việc buôn bán ngà voi và sừng tê giác.
Ông Han Tae Song được bổ nhiệm làm đại sứ Triều Tiên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) từ năm 2017.
Triều Tiên được cho là có tham gia vào các hoạt động buôn bán bất hợp pháp ngà voi, sừng tê giác để bí mật thu ngoại tệ.
Các nguồn tin của Kyodo News cũng nói việc triệu hồi Đại sứ Han Tae Song đang là ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng, nhằm tránh một cuộc điều tra về việc trốn các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, Chính phủ Triều Tiên đã đóng cửa một số đại sứ quán trên thế giới và đang xem xét thay thế một số đại sứ.
Hồi tháng trước, một ủy ban của Hội đồng Bảo an đã gửi thư đến Botswana, Nam Phi, Mozambique và Zimbabwe. Trong đó, họ cho rằng Đại sứ Han Tae Song, cùng với ông Yi Kang Dae, một quan chức tình báo của Triều Tiên, có liên quan đến các hoạt động buôn lậu ngà voi và sừng tê giác.
Trong bức thư ngày 10-11, ủy ban này yêu cầu bốn quốc gia châu Phi cung cấp thông tin về hai quan chức Triều Tiên, bao gồm các giao dịch ngân hàng và chi tiết nhận dạng.
Đại sứ Han Tae Song bị cáo buộc đã tham gia vận chuyển ít nhất 19 ngà voi và 18 sừng tê giác vào năm 2022 và 2023, theo một báo cáo từ Botswana.
Theo kết quả cuộc điều tra của bốn quốc gia châu Phi nói trên, một số kiểm lâm viên đã bị bắt vì âm mưu buôn bán liên quan đến người Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, nhằm ngăn chặn các hoạt động của Bình Nhưỡng liên quan chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Trong số này có một nghị quyết ngăn chặn nguồn ngoại tệ của Triều Tiên nhằm khiến Bình Nhưỡng không đủ nguồn tài chính để phát triển vũ khí.
Tuy nhiên bất chấp các lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ quân sự, bao gồm cả vụ phóng thành công vệ tinh trinh sát tháng trước.
Hàn Quốc tố Triều Tiên vận hành trái phép nhiều nhà máy do nước này sở hữu tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong hiện đã đóng cửa.