HoSE từng lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết, nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam.
Tại báo cáo này, kiểm toán đã nhấn mạnh nhiều vấn đề hiện hữu của Vietnam Airlines bao gồm nợ ngắn hạn, lỗ sau thuế của doanh nghiệp.
Cụ thể, tại ngày 31-12-2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỉ đồng và khoản phải trả quá hạn 15.396 tỉ đồng.
Trong năm tài chính kết thúc cùng ngày, hãng hàng không quốc gia có kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 11.223 tỉ đồng.
VNA | |
---|---|
Vốn chủ sở hữu | -11055 |
Nợ phải trả | 71691 |
Lỗ lũy kế | 35072 |
"Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê", kiểm toán nhấn mạnh.
Theo đơn vị kiểm toán, những điều kiện trên cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Như vậy, với khoản lỗ sau kiểm toán là 11.223 tỉ đồng, Vietnam Airlines đã lỗ thêm 854 tỉ đồng so với báo cáo tài chính tự lập công bố trước đó.
Đối chiếu, có thể thấy sự chênh lệch này chủ yếu do doanh thu thuần năm 2022 đã được điều chỉnh giảm từ 70.578 tỉ đồng xuống 70.410 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại được điều chỉnh tăng nhẹ khiến Vietnam Airlines lỗ gộp sâu hơn (-2.876 tỉ đồng). Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng được điều chỉnh tăng hơn.
Theo giải thích từ Vietnam Airlines, lỗ hợp nhất tại báo cáo kiểm toán tăng là do các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ và trước ngày phát hành báo cáo tài chính liên quan việc đàm phán duy trì và tái cơ cấu đội bay, chi phí trả tàu bay, kết quả đàm phán miễn giảm liên quan đến các khoản thanh toán phải trả đối tác...
Ai là cổ đông lớn của Vietnam Airlines?
Sự biến động mục lợi nhuận sau thuế hậu kiểm toán nâng khoản lỗ lũy kế Vietnam Airlines lên mức hơn 35.072 tỉ đồng cuối năm 2022.
Hãng hàng không quốc gia chính thức lỗ ròng liên tiếp trong 3 năm 2020 - 2021 - 2022.
Cột 1 | |
---|---|
Năm 2019 | 2537 |
Năm 2020 | -11178 |
Năm 2021 | -13279 |
Năm 2022 | -11223 |
9T2023 | -3534 |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia tài chính doanh nghiệp dẫn điều 120 nghị định 155 của Chính phủ cho biết cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc nếu xảy ra một số trường hợp. Trong đó, có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét...
"Chưa có tiền lệ đặc cách với các doanh nghiệp rơi vào trường hợp nêu trên", vị này nói. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp bị buộc rời khỏi sàn vì làm ăn thua lỗ triền miên.
Thậm chí, "ông lớn" hàng không còn khó có thể thoát khỏi thêm năm thứ 4 ghi lỗ liên tiếp bởi trong 9 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines báo lỗ ròng 3.534 tỉ đồng.
Hãng này đang niêm yết cổ phiếu HVN trên HoSE. Thực tế, HoSE đã từng lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Nếu hủy niêm yết HVN sẽ ảnh hưởng đến thị trường như thế nào?
Báo cáo tài chính 2022 thể hiện 55,2% cổ phần VNA do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) nắm, 31,14% nằm trong tay SCIC. Một cổ đông lớn khác là cổ đông ngoại ANA Holdings nắm hơn 5,62%. Còn lại cổ đông khác chỉ nắm phần nhỏ với 8,04%.
CMSC | 55.2 |
---|---|
SCIC | 31.14 |
ANA Holdings | 5.62 |
Khác | 8.04 |
Về phía Vietnam Airlines, hãng cho biết sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu để phục hồi năng lực tài chính phát triển sau đại dịch, và cần thời gian nhiều năm để khắc phục hậu quả nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.
Mặc dù nhiều giải pháp đưa ra, song nhà đầu tư sẽ vẫn còn lo ngại khi nhìn vào tình hình sức khỏe tài chính của VNA.
Giai đoạn 2020 - 2022, ngành hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động của thị trường từ hậu quả của đại dịch COVID-19.
Không chỉ Vietnam Airlines, 2 doanh nghiệp hàng không khác là Vietjet Air và Bamboo Airways (BAV) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Năm 2022, BAV lỗ khủng 17.619 tỉ đồng, gấp 8 lần năm 2021, đưa lỗ lũy kế lên 19.335 tỉ đồng. Còn Vietjet Air cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ với lợi nhuận sau thuế 2022 âm 2.262 tỉ đồng.
Vietnam Airlines bất ngờ hủy thông báo chốt danh sách thực hiện quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên 2023 tại ngày đăng ký cuối cùng 11-7.