vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ cuối: Một cuộc đời nhân ái, vẻ vang

2023-12-10 07:33

Ba Chà cùng một số sĩ quan của Nam bộ tập kết được phát quân phục mới, giày da bóng lộn. Cán bộ, chiến sĩ ta chiến đấu ở vùng sông nước Cửu Long chỉ quen đi chân không nên ra tới Hà Nội, đôi giày da cứng ngắc làm họ khó chịu. Một hôm, Ba Chà cùng 4 sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn dạo quanh hồ Gươm chơi. Họ mặc quân phục, nhưng vì đau chân nên tháo giày cột quàng qua cổ, lòng thòng trước ngực.

Có 2 người Ấn Độ thấy vậy mới nói với nhau: - Đúng là bọn nhà quê học làm sang! Chẳng ngờ Ba Chà biết tiếng Hindu nên tức nghẹn cổ. Ông hối các bạn mang giày lại đàng hoàng, sau đó đi ngang đụng vào 2 gã nước ngoài. Cái nón cối có gắn sao vàng bị một gã hất rớt xuống đất, ông ra hiệu bảo lượm lên trả ông, 2 gã kia kiên quyết không nhượng bộ. Vậy là trong nháy mắt, ông dộng 2 gã văng xuống hồ. Việc này sinh lớn chuyện, sứ quán Ấn Độ sang làm việc với các đ/c lãnh đạo của ta, lúc họp kiểm điểm, Ba Chà nói: - Hai ông kia có lời nói xúc phạm đến danh dự Vệ quốc đoàn, chiến sĩ Vệ quốc đoàn như tôi không thể tha thứ được!

Mọi người cho là ông cãi ngang vì bạn nói làm sao Ba Chà nghe được. Ba Chà liền nói chuyện trực tiếp với đại diện phía bạn bằng tiếng Hindu làm những người tham gia buổi họp tròn mắt. Khi biết ông từng tu thành Phật ở Ấn, phía bạn càng phục và đề nghị đừng kỷ luật Ba Chà. Chuyện trên được Bác Hồ chú ý, nên có dịp ta cử một đoàn cán bộ sang thăm Lào, Bác Hồ cho Ba Chà cùng đi. Vua Lào (tra theo lịch sử có thể là vua Savang Vatthana, tại vị từ 1959 đến cuối năm 1975) làm tiệc lớn đãi đoàn.

Hay tin có "Phật" Hát-ha-cốp đi cùng, vua mời Ba Chà ngồi ghế cao nhất, sau đó đến ghế của vua rồi mới đến hoàng gia và quần thần, đoàn khách được sắp ngồi thấp hơn cả. Có 5 cô gái trang phục như các vũ nữ Apsara đội mâm quỳ hầu "Phật". Ba Chà chễm chệ, điềm nhiên ngồi trên cao nhất ăn uống, ngắm các vũ nữ say mê mà quên cả nhiệm vụ ngoại giao. Vụ này, ông bị đ/c Trưởng đoàn kiểm điểm rất nặng, ông cũng rất ân hận...

Một lần khác, ông cùng 2 chiến sĩ đi chơi về khuya, doanh trại đóng cửa không cho vào. Hai chiến sĩ rất hoang mang, ông bảo: "Hãy bắt chước thủ trưởng của các cậu đây!". Nói xong, ông cởi quần áo (mặc quần đùi, áo may ô) nằm ngay cổng ngủ. Đang ngon giấc thì ôtô của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về. Cả ba phải đứng dậy báo cáo mọi sự. Đại tướng gọi điện báo bên trong mở cửa cho vào và lệnh cho Ba Chà mai lên làm việc. Hôm sau, Đại tướng nói Ba Chà: - Sao không đeo quân hàm?

- Thưa Đại tướng tôi chưa có ạ! Hôm trước đ/c Song Hào (lúc đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) có đọc quyết định phong thiếu tá nhưng tôi không nhận ạ!

- Tại sao?

- Dạ vì cả đời tôi thiếu tự do, thiếu công bằng, thiếu độc lập nên đi kháng chiến. Ai ngờ lúc chiến thắng rồi lại cho tôi "thiếu" nữa nên tôi buồn lắm! Xin Đại tướng cho tôi hàm "thừa tá” để động viên ạ!

Đại tướng nghe xong ngả người cười ngất, hỏi: - Thế cậu học đến lớp mấy rồi?

- Dạ tôi tu hơn 13 năm ở Ấn Độ, học thuộc hết các kinh, được thành Phật rồi ạ!

- À... tôi có nghe anh em nói về cậu rồi, thế bây giờ có muốn đi học không? Cho sang Liên Xô học nhé!

Ba Chà được đưa sang Liên Xô học. Thấy ông to con, khỏe mạnh nên bạn cho học lái máy bay. Vào đầu khóa, mọi phi công tương lai được đưa vào một ca-bin xoay tít, lúc bước ra nhiều người nôn mửa hoặc nằm la liệt mê man. Riêng Ba Chà sau vài phút ngất ngư đã lấy lại được phong độ. Chuyên gia Liên Xô vỗ vai ông cười khoái chí, hô: - Khơ-rô-xô! Khơ-rô-xô (rất tốt, rất tốt).

Họ hỏi ông bao nhiêu tuổi, ông trả lời: - Ngoài sáu mươi ạ!

Các thầy giáo tròn mắt kinh ngạc, sau đó lắc đầu. Ông được chuyển sang học pháo binh và tăng. Ba năm sau ông về nước, thấy tuổi đã cao nên quân đội cho ông phục viên, chuyển công tác sang Ban tôn giáo, làm việc tại chùa Quán Sứ. Vừa đến nhiệm sở mới, ông nghe một thầy tăng tụng: "... Già na nị, già nị na...", ông cau mày, lại giằng dùi mô bảo: - Thầy đọc sai rồi, bài kinh này phải đọc là "ô cờ ra gia, ô ca ra na..." nghĩa là tội lỗi trên thế gian này để những người ở lại gánh chịu. Đây là một bài kinh dùng cầu siêu, sao lại niệm ở đây?

Các thầy tăng khác đều nhìn con người có vẻ ngang tàng ấy bằng con mắt nghi ngờ. Ông cứ thản nhiên đi một vòng chùa rồi bảo: - Các thầy thờ sai cả rồi, Phật buồn chết! Ông hăng hái trút cả kiến thức tu hành hơn 13 năm ở Ấn Độ ra giảng giải, các thấy tăng lúc ấy mới phục, mới thấy ông rất xứng đáng được bầu vào Ban chấp hành Phật hội. Ông ở chùa 3 tháng rồi xin ra, cán bộ tổ chức hỏi tại sao, ông trả lời: - Những điều cần tu thì tôi đã tu trong gần 20 năm trước cả rồi, nay có ở lại chùa thì chẳng còn gì để tu! Tổ chức đưa ra tên hàng loạt các đơn vị cần người làm lãnh đạo, ông chọn Hợp tác xã (HTX) xe ba gác ở Phúc Xá - Hà Nội. Và ông đã về làm bí thư ở đó.

Trong thời gian này, ông tự chế thuốc Nam chữa bệnh cho nhiều người (do thời gian tu ở Ấn học được). Tin này đến tai Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch. Đã có thời gian bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đi công tác cùng ông sang một số nước nên không lạ gì ông. Khi được bác sĩ Bộ trưởng hỏi về các cây thuốc, ông thật thà trả lời là biết cây nhưng không biết tên Việt gọi là gì. Bác sĩ Bộ trưởng cử một đoàn dược sĩ theo ông lên rừng, nhờ ông chỉ cho các cây thuốc và nói tác dụng của nó, sau đó ghi vào sổ làm tài liệu...

Tác giả cùng cụ Lưu Công Danh chụp chung ngày 16/02/1998

"Phật" hồi cố hương

Sau năm 1975, Lưu Công Danh trở về quê hương Rạch Giá, nơi ông đã ra đi từ 1930. Ông đề xuất thành lập và xây dựng Bệnh viện y học dân tộc Kiên Giang. Ông làm ở đó một thời gian rồi về nhà tự chữa bệnh. Ngày 17/02/1998, qua trao đổi với phóng viên Báo CATP, đ/c Nguyễn Văn Lý - Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Lạc, nơi ông đang sống, nói: - Cụ Ba Danh chữa bệnh về gân, xương rất hay. Các vị lãnh đạo tỉnh cũng thường phải nhờ đến cụ. Nếu cụ chữa bệnh lấy tiền thì đến nay có lẽ đã giàu lắm, song đến nay cụ vẫn sống rất giản dị. Chúng tôi rất quý cụ...

Chuyện dài với cụ Ba Danh sắp kết thúc, chúng tôi hỏi cụ: - Từ ngày thành Phật, cụ còn gặp lại bà vợ người Ấn không?

- Có chứ, năm 1953 Manamari sang tìm tôi. Tôi dẫn về giới thiệu với bà vợ lớn ở Việt Nam và làm phiên dịch cho 2 bà nói chuyện. Một số bà khác thời lấy "giống Phật" sau năm 1975 còn nhắn tìm tôi qua các sứ quán, nhưng tôi không có điều kiện gặp.

- Đời cụ trải qua nhiều thăng trầm, vậy lúc nào cụ thấy khổ nhất, lúc nào sướng nhất?

- Khổ nhất là giai đoạn kháng chiến, khổ hơn lúc đi tu nhiều. Còn sướng nhất là lúc này đây (15/02/1998), được sống cùng con cháu, uống trà và mỗi tuần theo dõi Báo CATP của mấy ông... (cười) vậy là vui rồi!

- Cụ có hay nhận tin về các bạn chiến đấu cũ không?

- Ít thôi, mấy năm trước Anh hùng Núp có gởi cho tôi cuốn lịch in hình "nó” (tôi với "nó” bằng tuổi nhau), "nó” gởi thư kèm như vầy: "Hôm trước họp cựu binh ở Hà Nội không thấy mày, tao tưởng mày chết rồi. Nay nghe tin còn sống thì gởi tặng tấm hình in lịch của tao!".

Cụ Lưu Công Danh chữa bệnh miễn phí cho người nghèo (ảnh chụp ngày 17/02/1998)

Ngoài vợ do cha mẹ cưới là bà Lê Thị Ngân, người vợ Ấn Độ tên Manamari (hay Annamari), cụ Lưu Công Danh có thêm vợ thứ 3 lúc đi kháng chiến là bà Huỳnh Thị Tổng, trong hồi ký (đã dẫn) cụ kể về duyên tình với người vợ này như sau:

"Trong thời gian tôi trốn ở Long Xuyên, Châu Đốc (vì đánh chết một tên Việt gian đã nêu ở kỳ 1), có một gia đình chứa chấp tôi là ông Quảng Sào. Ông có người cháu ruột là Huỳnh Thị Tổng, góa chồng, có 2 con trai nhỏ. Sợ tôi trốn mãi rồi sẽ bị bắt, ông Quảng Sào khuyên tôi ở lại ông sẽ bảo lãnh, giúp vốn cho làm ăn sinh sống, ông sẵn sàng gả đứa cháu gái của mình cho tôi. Gia đình này đã cưu mang tôi trong thời gian nguy khó. Lửa tình yêu đã bén trong tôi và Huỳnh Thị Tổng từ đây. Nhưng rồi tôi cũng phải ra đi nơi đất khách quê người. Để rồi đến ngày sum họp, có hai người phụ nữ tôi cùng có trách nhiệm là vợ tôi (Lê Thị Ngân, SN 1906, mất năm 1983) ở quê và Huỳnh Thị Tổng.

Trong khi chưa liên lạc với cha mẹ và người vợ ở quê, thì Huỳnh Thị Tổng nghe tin tôi còn sống và đang ở chiến khu Đồng Tháp Mười, nên đã lặn lội từ Cao Lãnh vào thăm tôi. Cô ấy đã chờ đợi tôi hơn mười năm bằng một lời hẹn ước năm xưa. Còn tôi, tôi cứ nghĩ hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc hơn mười năm như vậy, có thể vợ tôi và cả cô ấy đều đã có chồng. Nay cô ấy đến tìm tôi trong hoàn cảnh gian khổ của cuộc sống kháng chiến nơi bưng biền, nhớ ơn nghĩa xưa... tôi quyết định báo cáo với tổ chức đây là vợ của tôi. Huỳnh Thị Tổng chấp nhận cuộc sống kháng chiến, cùng ở lại với tôi trong trại Đề lao binh...

Cuối năm 1948, con gái đầu lòng của tôi và Tổng ra đời tại trại Đề lao binh Khu 8, Đồng Tháp Mười. Cô ấy giao cho tôi quyền đặt tên con. Tôi đếm các con chung, riêng của tôi và Tổng từ trên xuống và đặt đứa con này là Lưu Thị Bảy.

Năm 1950, vợ tôi - Huỳnh Thị Tổng - sinh thêm một đứa con gái, cháu được đặt tên Lưu Thị Nga. Trong buổi cúng đầy tháng cho con, tôi mang hai viên ngọc trước đây vị trụ trì chùa Tây Phương (Sãi vương Sô Chim) tặng cho tôi khi trở lại với đời vì đã đắc đạo, tặng lại cho vợ tôi. Cô ấy không đeo vào cổ như tôi, mà lại cất vào giỏ áo quần. Năm 1953, vợ tôi vào quân y sinh đứa con trai út. Khi trở về bị lật xuồng và mất luôn hai viên ngọc quý...".

Kỳ 5: Xếp hàng xin phước
(CATP) Hát-ha-cốp dặn cha đón xe kéo đến số nhà... đường 20, còn ông lên xe hơi đi tiếp, sau đó ông đưa cha về ở chung vài ngày, nghe tình hình gia đình, làng xóm, đất nước rồi cho cha ít tiền, hối trở về Rạch Giá báo tin cho gia đình. Hát-ha-cốp có nhiều cuộc gặp gỡ với giới chủ Ấn tại Sài Gòn. Với tư cách là thủ lĩnh tinh thần của họ, ông đề nghị bãi bỏ việc thu tiền bến bãi của những người buôn bán nhỏ. Ông thống nhất việc thành lập Công ty giết mổ Chánh Hưng (đặt tại quận 8 ngày nay), ký hợp đồng cung cấp cho quân đội Nhật 300 con bò được giết mổ, ướp nước đá mỗi tuần, sau đó Hát-ha-cốp trở về chùa Prệp-pra ở Nam Vang tiếp tục đóng vai "Phật sống".
 
LẠI VĂN LONG

Xem thêm: lmth.943651_gnav-ev-ia-nahn-iod-couc-tom-iouc-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ cuối: Một cuộc đời nhân ái, vẻ vang”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools