Sau nhiều tuần biến động trong biên độ hẹp quanh vùng giá 1.100 điểm. VN-Index đã có tuần giao dịch tương đối tích cực với thanh khoản tăng vọt bất chấp việc khối ngoại bán ròng mạnh. Kết tuần VN-Index tăng 22,28 điểm (2,02%) so với tuần trước lên mức 1.124,44 điểm. HNX-Index có diễn biến tương tự khi tăng 4,94 điểm (2,18%) so với tuần trước lên mức 231.20 điểm. UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (0,61%) lên 85,71 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên thị trường tăng vọt so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 24.202 tỷ đồng/phiên tăng 61%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 65% lên mức 22.162 tỷ đồng/phiên, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng mạnh 65% và đạt 19.119 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng đột biến trong tuần với giá trị lên đến 3.953,89 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng trên HNX với giá trị 72,9 tỷ đồng.
Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin như: Quy mô GDP đã tăng hơn 100 lần, từ con số 4 tỷ USD lên 406 tỷ USD năm 2022; Ngày 05/12/2023 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức cuộc họp trao đổi giải pháp liên quan đến nội dung ký quỹ trước giao dịch (prefunding) với nhà đầu tư nước ngoài; Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm cuối tháng 11/2023 đạt hơn 7,2 triệu đơn vị; Ngày 7/12/23, Thủ tướng chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.
Dòng tiền trong tuần qua có phần tập trung ở một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có sự phân hóa mạnh. Tại nhóm bất động sản, đa số vẫn có diễn biến tăng tích cực so với tuần trước.
Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm này là TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long với 21,6%. Thanh khoản của TIG cũng tăng vọt so với tuần trước. Doanh nghiệp này mới đây đã thông qua phương án chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản và Năng lượng Tái tạo Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu là 16 triệu cổ phần, tương đương 45,71% vốn điều lệ của doanh nghiệp tại Đầu tư Phát triển Bất động sản và Năng lượng Tái tạo Việt Nam.
Cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ BĐS Đất Xanh gây bất ngờ khi tăng gần 13% chỉ sau một tuần giao dịch. Đà tăng của cổ phiếu DXS diễn ra bất chấp bối cảnh đơn vị này mới đây đã có văn bản gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin bất thường về chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu MNRCH2123001. Tại văn bản vừa gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, doanh nghiệp này cho biết, đã 11 kỳ thanh toán lãi trái phiếu gần đây nhất, từ kỳ thứ 12 đến kỳ thứ 22 (từ 15/2 đến 30/11/2023) chưa thể trả lãi cho trái chủ. Tổng tiền chậm trả hơn 16,5 tỷ đồng. Lý do của 11 lần chậm thanh toán lãi trái phiếu được doanh nghiệp này đưa ra lần nào cũng giống lần nào, đó là: do công ty chưa sắp xếp được dòng tiền.
Cổ phiếu “tân binh” BCR của CTCP BCG Land cũng giao dịch khá tích cực khi tăng hơn 12%. 460 triệu cổ phiếu BCR chính thức giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 8/12 với giá tham chiếu 12.000 đồng/cp. BCG Land là thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) phụ trách mảng bất động sản. Hiện tại, quỹ đất của BCG Land là 500 ha Theo kế hoạch giai đoạn 2023-2027, BCG Land sẽ nâng quỹ đất lên 5.800 ha. BCG Land đã đưa vào vận hành các dự án Casa Marina (Bình Định) và King Crown Village (TP. HCM). Công ty đang tích cực triển khai ba dự án lớn: Malibu Hội An (Quảng Nam), Hoian d'Or (Quảng Nam) và King Crown Infinity (TP HCM) với tổng quy mô 36 ha, tổng đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng.
Tuần giao dịch vừa qua là khoảng thời gian tích cực với nhóm bất động sản khu công nghiệp, trong đó, ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo có mức tăng gần 15% chỉ sau một tuần giao dịch. Tương tự, DTD của CTCP Đầu tư Phát triển Thành Đạt cũng tăng gần 14%. BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp bất ngờ tăng 11,7% trong tuần qua. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 3622 về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị mới (tại các lô B8, B9, B10, B12, B13, B14, B15 quy mô 18,9 ha) thuộc Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương (Khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương của BCM.
Ở chiều ngược lại, đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là V11 của CTCP Xây dựng số 11 với gần 21%, tuy nhiên, thanh khoản của V11 nằm trong diện rất thấp nên gần như không đi theo xu hướng thị trường chung. Các cổ phiếu có mức giảm mạnh tiếp theo gồm NTB của CTCP Công trình giao thông 584, PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương… cũng đều nằm trong diện thanh khoản rất thấp.
Cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG tiếp tục giảm hơn 12%. Cổ phiếu gây chú ý khi được “giải cứu” sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp hôm 1 và 4/12 trước thông tin bắt Chủ tịch Công ty LDG liên quan vụ 500 căn biệt thự trái phép ở Đồng Nai. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn có biến động tiêu cực sau phiên được giải cứu hôm 5/12.
Thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tích lũy và đi lên từ từ
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, mặc dù chứng kiến những phiên rung lắc mạnh, nhìn chung thị trường vẫn đang duy trì xu hướng tích lũy và đi lên một cách từ từ. Dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu để giữ nhịp và duy trì sự hứng khởi cho thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng mạnh thời gian gần đây thì điểm sáng là sự cải thiện của dòng tiền nội trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc bơm trả toàn bộ lượng tiền rút ròng khỏi hệ thống (đáo hạn hết lượng tín phiếu đã phát hành trước đó). Với ưu tiên của Chính phủ hiện nay là tập trung cho “tăng trưởng kinh tế” thì thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì các buổi họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng, khơi thông dòng vốn tín dụng. Trong đó, Ngân hàng nhà nước được yêu cầu đẩy mạnh hơn tín dụng nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế, xem xét hoãn Thông tư 02 và giảm hơn nữa mặt bằng lãi suất cho vay. Những chính sách này nếu được thực hiện quyết liệt sẽ góp phần cải thiện bức tranh tín dụng và tăng trưởng của nền kinh tế và qua đó tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh đó, ông Hinh duy trì cho rằng VN-Index có thể tiếp tục duy trì xu hướng tích lũy và đi lên từ từ nhằm hướng tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm trong những tuần cuối tháng 12. Tuy vậy, xen kẽ trong xu hướng đi lên của thị trường sẽ xuất hiện những phiên rung lắc.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục thứ 2 sau nhịp giảm sâu và đơn vị này cho rằng thị trường sau hồi phục sẽ dần hình thành nền tích lũy mới. Trong ngắn hạn kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản gần quanh 1.130 điểm để hướng tới vùng 1.150 điểm. Xu hướng trung hạn của chỉ số là tìm điểm cân bằng tích lũy trở lại, trong kịch bản tích cực là vùng 1.150 điểm – 1.250 điểm, trường hợp kém hơn là vùng 1.100 điểm – 1.150 điểm.
Xem thêm: lmth.87342000042210202-y-uhc-yag-peihgn-gnoc-uhk-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer