Mới đây, Công ty cổ phần BCG Energy báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lãi hai lô trái phiếu tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, phát hành từ tháng 4-5/2021. Tổng tiền lãi chậm thanh toán khoảng 176 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết đang chuẩn bị phương án đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn mới và dự kiến trả trước ngày 31/12.
Đây là lần thứ sáu trong suốt hai tháng qua, BCG Energy chậm trả lãi trái phiếu. Riêng với lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng, công ty cũng trễ hẹn thanh toán dự kiến ba lần. Hồi cuối tháng 10, BCG Energy hẹn trả lãi vào ngày 1/11. Gần một tuần sau, lịch trả lãi bị dời sang ngày 10/11. Sau đó hai ngày, công ty tiếp tục dời sang 30/11 nhưng vẫn không thực hiện được.
Cũng chậm thanh toán, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đang nợ hơn 51 tỷ đồng tiền lãi của ba lô trái phiếu có tổng giá trị lưu hành hơn 2.500 tỷ đồng. Công ty cho biết chưa nhận được tiền bán điện của tháng 9 như dự kiến nên chỉ có thể trả trước 9,8 tỷ đồng tiền lãi và nợ số tiền còn lại.
BCG Energy và Trung Nam Đắk Lắk 1 là hai trong số nhiều doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng tái tạo vướng vào vòng xoáy nợ nần thời gian qua. Tính từ tháng 6 đến nay, thị trường ghi nhận 15 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, xin khất nợ, thay đổi kỳ trả lãi và điều chỉnh lãi suất cho hàng chục lô trái phiếu. Phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group.
Không chỉ trái chủ, các ngân hàng cũng chật vật đòi nợ nhóm doanh nghiệp này. Mới đây, Agribank đấu giá khoản nợ 1.200 tỷ đồng của chủ dự án điện gió Phong Điện 1 (Bình Thuận). Theo Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận và 36 nhà đầu tư lĩnh vực này, nợ xấu từ 34 dự án điện gió và điện mặt trời trong hệ thống ngân hàng có thể lên đến 58.000 tỷ đồng.
Thống kê của VnExpress cho thấy, riêng nhóm doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu, đã có 24 đơn vị ghi nhận tổng nợ phải trả hơn nghìn tỷ đồng. Trong đó, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, BB Power Holdings và Điện Gia Lai (GEC) là ba công ty có tổng nợ phải trả vượt 10.000 tỷ đồng. GEC vẫn kinh doanh có lãi trong nửa đầu năm, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 1,86 lần. Nhưng hai doanh nghiệp còn lại lỗ hàng trăm tỷ đồng, hệ số nợ hơn 4,7 lần.
Nhìn chung, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đều có nợ phải trả lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp lên đến 6-7 lần. Gánh nặng tài chính lớn nhưng tình hình kinh doanh đa số đều bết bát. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước đây, điện gió và điện mặt trời từng là hai lĩnh vực tiềm năng "hút" vốn. Nhưng những thay đổi chính sách với dự án không kịp vận hành thương mại trước hạn 11/2021 để hưởng giá ưu đãi trong 20 năm, khiến kết quả kinh doanh nhiều đơn vị ảm đạm. Ngoài ra, một số đơn vị còn cho biết thời gian qua, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chậm thanh toán tiền điện cũng gây thêm áp lực tài chính cho họ.
Báo cáo gần đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho biết, năng lượng tái tạo là một trong ba nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn trong số 175.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc và lãi, tính đến tháng 9. Nhóm này chỉ xếp sau bất động sản và xây dựng. Tỷ lệ trái phiếu chậm thanh toán của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng trong nhóm đứng đầu thị trường, ở mức gần 25%.
VIS Rating dự đoán tổng giá trị trái phiếu chậm trả gốc và lãi sẽ chạm mốc 195.000 tỷ đồng đến cuối năm nay. Phần lớn vẫn đến từ các ngành đang gặp khó khăn là bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo. Sang năm sau, tổ chức này kỳ vọng các chính sách giảm lãi suất và các biện pháp hỗ trợ cấp vốn sẽ phát huy hiệu quả, giúp giảm bớt áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp kể trên.
Tất Đạt