Hiệu trưởng Đại học Pennsylvania, bà Elizabeth Magill đã tự nguyện xin từ chức. Pennsylvania thuộc Ivy Leauge, là nhóm 8 trường đại học tư danh giá nhất nước Mỹ.
Ngay sau đó chủ tịch hội đồng quản trị của Đại học Pennsylvania, ông Scott Bok cũng đã từ chức theo bà Magill, theo Daily Pennsylvanian - tờ báo dành cho sinh viên trong trường.
Bà Magill là một trong ba hiệu trưởng của các trường đại học ưu tú ở Mỹ phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt, vì lời khai của họ trong phiên điều trần ở Quốc hội ngày 5-12 về chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường.
Theo Hãng tin AFP, cả ba hiệu trưởng đã đưa ra những câu trả lời dài dòng và dường như cố tình lảng tránh tại phiên điều trần, khi được hỏi liệu những sinh viên kêu gọi "diệt chủng người Do Thái" trong khuôn viên trường của họ có vi phạm quy tắc ứng xử hay không.
Sau phiên điều trần, 74 nghị sĩ đã viết thư yêu cầu sa thải ngay lập tức bà Magill và hai hiệu trưởng của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts.
Hiệu trưởng Harvard, bà Claudine Gay, đã phải xin lỗi vì không lên án mạnh mẽ các mối đe dọa bạo lực bài Do Thái trong khuôn viên trường.
Tuy nhiên trong ba hiệu trưởng, bà Magill của Đại học Pennsylvania bị chỉ trích nhiều hơn cả.
Thống đốc theo Đảng Dân chủ của bang Pennsylvania gọi phiên điều trần của bà Magill là "vô cùng đáng xấu hổ".
Trong diễn biến liên quan, một nhà tài trợ lớn cho biết sẽ hủy khoản tài trợ 100 triệu USD cho Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania.
Ông Scott Bok, chủ tịch hội đồng quản trị Đại học Pennsylvania, nói bà Magill đã phạm phải một sai lầm rất đáng tiếc khi tuyên bố từ chức. "Do được chuẩn bị và tư vấn pháp lý kỹ lưỡng, bà ấy đã đưa ra câu trả lời mang tính pháp lý cho một câu hỏi về đạo đức. Như vậy sai", ông Bok nói.
Theo AFP, chủ nghĩa bài Do Thái và tội phạm thù ghét đã gia tăng ở Mỹ và trong các trường đại học kể từ cuộc tấn công ngày 7-10 của phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel.
Nhiều cuộc tranh luận lớn bùng nổ trong khuôn viên các trường đại học, trong đó có tranh luận về việc khi nào thì quyền tự do ngôn luận trở thành hành vi đe dọa người khác.
Ngày 15-11, chính quyền Pháp cho biết họ đang điều tra vụ nhiều ngôi mộ của người Do Thái tại một nghĩa trang quân sự trong Thế chiến 1 bị phá hoại, giữa lúc hành động bài Do Thái gia tăng khắp quốc gia châu Âu này.