Quả cau Cao Nhân, đặc biệt giống cau Liên Phòng, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho đất và người Cao Nhân, mà buồng cau xe duyên nơi đây còn được nhiều cặp đôi nhớ đến để đắp xây hy vọng về một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.
Dạo một vòng vài km trên con đường làng, tôi thấy cau hiện diện khắp nơi. Nhà nào ít nhất cũng vài chục gốc cau, có nhà trăm gốc. Những cây cau thẳng tắp, cao vút lên giữa làng quê thanh bình…
Tiếp tôi bên ly trà nóng, cụ Thành - người địa phương - ngạc nhiên khi thấy một người tận phương Nam xa xôi như tôi tìm đến Cao Nhân chỉ vì "buồng cau xe duyên".
Nói ngạc nhiên - theo lời cụ kể - là vì đã có rất nhiều báo, đài trong và ngoài nước tìm đến Cao Nhân cũng vì trái cau nơi này, nhưng họ thường chỉ quan tâm đến những giá trị kinh tế, kỹ thuật trồng trọt của nghề cau, chứ ít ai tìm hiểu về giá trị tinh thần, thứ vốn là lý do nguyên thủy để làng cau Cao Nhân hình thành rồi nổi tiếng.
Cụ Thành trầm ngâm, cụ chẳng biết nghề trồng cau ở Cao Nhân có từ bao giờ, nhưng cụ chắc chắn thuở ấy người làng trồng cau là để cung cấp quả cho những người ăn giầu (trầu) và để phục vụ chuyện cưới xin là chính. Mãi sau này, quả cau xuất khẩu qua Trung Quốc để làm dược liệu, mang lại thêm lợi ích kinh tế cho người làng.
Cụ nhìn tôi mỉm cười: "Thế chú có biết tại sao quả cau Cao Nhân lại phải hiện diện trong việc cưới xin hay không?", rồi cụ trả lời luôn. Theo lời cụ, cây cau nó giống như con người vậy, nó phải "thương" đất thì mới phát triển được. Trồng cau phải kiên nhẫn.
Sau khi làm đất, để đất chịu nắng mưa một thời gian cho bồi lắng lại thì cau mới "chịu" đất. Nhưng chưa xong đâu.
Chịu thì chịu vậy thôi, nhưng sau đôi ba năm, cau và đất phải "hợp" nhau, không xung khắc với nhau nữa thì cây cau mới sinh sôi quả đẹp, nếu không thì cau vẫn có quả nhưng quả èo uột, ức buồng cau dài, tua (tóc) quả cau nhỏ. Chính vì thế, đời người trồng cau, nhưng nếu hỏi về cây cau ưng ý thì cùng lắm cũng chỉ chục cây là cùng.
Chính vì quả cau làng Cao Nhân hội đủ yếu tố "duyên thiêng" như cây - đất - người nên buồng cau Cao Nhân phải hiện diện trong ngày cưới xin của hàng triệu cặp đôi qua nhiều thế hệ và nhờ thế cũng đã vang danh thành buồng cau xe duyên.
Chia tay làng cau và cụ Thành, tôi nhớ mãi lời cụ khi nhấp chung trà trong cái lạnh đầu đông: "Tôi thấy ngày nay nhiều người dễ dàng cưới nhau rồi lại chia tay. Tôi chỉ mong những người như thế hãy chín chắn lại.
Cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có khi rất sóng gió. Nhưng những lúc như thế, hãy nhớ lại ngày họ hạnh phúc khi cưới nhau. Vợ chồng mà, vượt qua trắc trở, thử thách, chỉ thêm yêu nhau chứ có mất gì đâu".
Tối 7-12, lễ cưới tập thể Vườn trăm năm cho năm cặp đôi khuyết tật kết hôn nhiều năm nhưng chưa thể tổ chức lễ cưới đã diễn ra ngập tràn niềm vui tại TP.HCM.