Nằm ngay dưới chân cầu Thuận Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), khối tòa nhà khu công viên phần mềm số 2 khang trang nhưng dở dang, vắng lặng lâu ngày.
Công trình "cửa đóng then cài"
Công trình với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng này được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số. Thế nhưng, hiện công trình này đang trong tình cảnh "cửa đóng then cài", tạm dừng thi công dù phần thô các tòa nhà tại đây đã cơ bản hoàn thành.
Ông Lê Sơn Phong, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết khu công viên phần mềm số 2 được TP xem là công trình trọng điểm nhưng đang tạm dừng thi công.
Một dự án khác là đường vành đai phía tây 2 có chiều dài 14,3km kéo dài qua các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang được phê duyệt đầu tư với tổng vốn 1.427 tỉ đồng cũng đang tạm dừng.
Đến nay dự án chỉ mới đưa vào khai thác đoạn 4,6km từ đường số 8 Khu công nghiệp Hòa Khánh đến đường tránh Nam Hải Vân. Phần còn lại chưa biết bao giờ mới tiếp tục.
Một trong những nguyên nhân khiến công trình không thể thực hiện theo kế hoạch ban đầu là do chi phí giải tỏa, đền bù bị đội lên quá cao.
Một công trình nữa là dự án giao thông tuyến đường trục I Tây Bắc nối từ nút giao thông khác mức ngã ba Huế đến quốc lộ 1 được phê duyệt với tổng mức đầu tư 692 tỉ đồng nhưng sau đó nâng lên 966 tỉ đồng do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Ghi nhận thực tế tại đoạn Hồ Tùng Mậu đến đường sắt dài 650m, đã thi công đoạn đầu tuyến 500m, đưa vào sử dụng từ tháng 7-2023. Nhưng 150m đoạn cuối tuyến đang vướng 19 hồ sơ giải tỏa nên đã tạm dừng thi công 19 tháng qua. Cũng thuộc dự án trên, đoạn từ đường sắt đến quốc lộ 1 hiện vẫn chưa thể triển khai...
Công trình trọng điểm tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1, dài 19km) có quy mô đầu tư hơn 1.134 tỉ đồng đáng lẽ hoàn thành năm 2020 nhưng qua mấy lần gia hạn, đến nay công trình vẫn chưa xong.
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân chậm trễ là do giải phóng mặt bằng, do COVID-19, thời tiết bất lợi và cùng với đó là năng lực nhà thầu thi công (Cienco 1). Để công trình tiếp tục "chạy", chủ đầu tư phải chuyển giao công việc của nhà thầu Cienco 1 cho đơn vị khác thi công.
Gỡ vướng cách nào?
Liên quan dự án khu công viên phần mềm số 2, theo ông Lê Sơn Phong, dự án triển khai từ năm 2020 sau nhiều lần thu hút đầu tư, đấu giá không thành công, TP đã quyết định đầu tư bằng ngân sách. Do được đầu tư bằng ngân sách nên đây là tài sản công.
Tuy nhiên, hiện quy định của pháp luật, hành lang pháp lý về tài sản công kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin chưa được Chính phủ ban hành. Cụ thể ở đây là quy định quản lý, sử dụng và khai thác công viên phần mềm hiện chưa có quy định. "Đây là vướng mắc chính" - ông Phong nói.
Để giải quyết vấn đề, TP đã nhiều lần kiến nghị và ngày 21-3-2023, Thủ tướng đồng ý cho phép bổ sung nội dung này vào nghị định 144 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết tại dự án giao thông tuyến đường trục I Tây Bắc, với đoạn Nguyễn An Ninh từ nút giao quốc lộ 1 đến đường sắt, 300m đầu tuyến nhà thầu đang khẩn trương làm, dự kiến xong trước tết.
"Đối với tuyến đường vành đai phía tây Đà Nẵng đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh, nhà thầu tích cực thi công và sẽ cơ bản thông tuyến chính vào cuối tháng 12-2023" - ông Nguyễn Minh Huy, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp đã "đặt chỗ"
"Công trình công viên phần mềm số 2 chưa hoàn thành nhưng nhu cầu đăng ký của doanh nghiệp hiện đang vượt khả năng cung ứng. Trong năm 2023, sở tiếp tục nhận được rất nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư về mở rộng không gian phát triển công viên phần mềm, cũng như các chính sách chuyển đổi số, hỗ trợ đổi mới sáng tạo..." - ông Lê Sơn Phong cho hay.
Đà Nẵng nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan trên các tuyến giao thông liên khu vực kết nối khu logistics, cảng biển, sân bay.