Án Nước ngoài:
Nuốt tiền để tiêu hủy bằng chứng nhận hối lộ
Theo India Today, quan chức của cục thuế Madhya Pradesh có tên là Gajendra Singh đã bị đội Cảnh sát đặc biệt (SPE) thuộc Lực lượng Cảnh sát chống tham nhũng Lokayukta bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 5.000 rupee.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra cung cấp, cuối tháng 7 vừa qua, Gajendra Singh đã yêu cầu người khiếu nại trong một vụ kiện về đất đai, tên là Chandan Singh Lodhi, một khoản tiền "đút lót". Bất bình vì bị vòi vĩnh, Lodhi đã báo vụ việc lên Lokayukta. Một cái bẫy đã được giăng ra. Lodhi vẫn đến văn phòng Gajendra Singh để đưa số tiền thỏa thuận như bình thường. Khi đang nhận hối lộ, một nhóm SPE bất thình lình xuất hiện.
Kết quả, khi đang nhận 5.000 rupee ở phòng riêng, Gajendra Singh đã bị đội cảnh sát bắt quả tang. Ngay khi bị bắt, Singh đã cho những tờ tiền nhận được vào miệng, nhai và nuốt chúng. Singh đã cắn ngón tay của một cảnh sát khi người này cố gắng mở miệng anh ta.
Gajendra Singh được đưa đến bệnh viện trong khi vẫn đang nhai những tờ tiền. Cảnh sát yêu cầu anh ta nhổ những tờ tiền giấy vào một cái bát, nhưng Singh đã nuốt chúng.
Sau khi trải qua một cuộc kiểm tra y tế, nhân viên cho biết anh ta vẫn ổn. Sau cùng, đã có vài mảnh vụn còn sót lại của 9 tờ tiền mệnh giá 500 rupee được nhân viên y tế thu hồi.
Trước đây, từng có vài trường hợp nhét tiền vào "chỗ kín" để tránh bị truy xét. Tuy nhiên, chưa từng ghi nhận trường hợp nào thoát được cơ quan thực thi pháp luật. Hiện, cảnh sát địa phương đã lập hồ sơ tố cáo Singh, và cuộc điều tra đang được tiến hành.
Luật Việt Nam:
Số tiền nhận hối lộ càng lớn, khung hình phạt đối diện sẽ càng cao
Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, người phạm tội nhận hối lộ là người đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận bất kỳ lợi ích nào từ người đưa hối lộ. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi phạm tội của mình. Nếu không có chức vụ, quyền hạn thì sẽ rất khó khăn trong việc nhận các lợi ích để giải quyết theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, chủ thể phải có việc lợi dụng chức vụ để nhận các lợi ích của người đưa hối lộ thì mới bị coi là nhận hối lộ.
Hành vi nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian. Nhận hối lộ trực tiếp là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ không qua người khác, ví dụ như nhận tiền hối lộ từ tay người đưa hối lộ. Việc nhận của hối lộ trực tiếp có thể được thực hiện thông qua các loại hình dịch vụ, ví dụ như dịch vụ chuyển tiền, hàng hoá của ngân hàng hoặc bưu điện. Nhận hối lộ trực tiếp còn có thể là trường hợp tuy chưa nhận của hối lộ song người có chức vụ, quyền hạn đã trực tiếp thỏa thuận với người đưa hối lộ thông qua gặp mặt hoặc trao đổi qua điện thoại, thư điện tử… Còn đối với trường hợp nhận hối lộ qua trung gian thì người có chức vụ, quyền hạn gián tiếp nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ thông qua người khác, chẳng hạn như thông qua người môi giới hối lộ. Qua trung gian không nhất thiết là chỉ qua người thứ ba mà có thể qua nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ. Trường hợp người nhận thỏa thuận việc hối lộ với người đưa và nhận của hối lộ qua người môi giới hối lộ thì cũng được coi là gián tiếp nhận hối lộ.
Ở đây, Gajendra Singh đã yêu cầu người khiếu nại trong một vụ kiện về đất đai một khoản tiền "đút lót". Sau đó ông này bị bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 5.000 rupee. Như vậy, chiếu theo quy định trên, hành vi của Gajendra Singh đã có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội Nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Về hình phạt, khoản 1 Điều 354 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
Như vậy, trường hợp nhận hối lộ từ trên 02 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về chức vụ, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ.
Khung hình phạt cao nhất cho tội Nhận hối lộ là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình được áp dụng với trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Trong vụ án này, do nghi phạm đã chủ động đòi hối lộ nên có thể bị áp dụng điểm g (đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt) khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ánh Dương (Thực hiện)