Có một sân vận động mới hiện đại, xứng tầm với TP kinh tế lớn nhất nước là điều mà người dân TP chờ đợi hàng chục năm qua. Ngoài ra, sự quan tâm của dư luận còn là vì sức chứa của sân 50.000 chỗ liệu có đủ cho nhu cầu lớn của người hâm mộ trong tương lai.
Nhìn từ các nền bóng đá lớn trong khu vực
Bóng đá Việt Nam hiện đang đứng hạng 94 thế giới, thứ hạng FIFA cao nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên sân vận động của Việt Nam chỉ hơn mỗi Philippines. Cụ thể, sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) có sức chứa hơn 40.000 chỗ, được xây cho SEA Games 2003 tại Việt Nam vẫn đang là sân vận động lớn nhất nước.
Nhiều giải đấu lớn của các đội trẻ hay đội tuyển Việt Nam, sân Mỹ Đình tỏ ra quá tải trước nhu cầu quá lớn của người hâm mộ. Việc chỉ có một sân vận động lớn, lại không được bảo dưỡng đúng mức khiến bóng đá Việt Nam đôi lúc gặp khó khi sử dụng. Hình ảnh phản cảm mặt sân vàng úa như mặt ruộng ở AFF Cup 2022 là một minh chứng.
Trong khi đó, các sân vận động của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore hay thậm chí là Campuchia đều hiện đại và có sức chứa rất lớn. Cụ thể, sân Rajamangala (Thái Lan) có sức chứa ban đầu là 80.000 chỗ, giờ còn hơn 50.000 chỗ sau khi lắp ghế nhựa.
Malaysia có đến hai sân vận động hiện đại là Bukit Jalil 87.000 chỗ (sức chứa ban đầu là 100.000 chỗ) và Shah Alam hơn 80.000 chỗ. Indonesia cũng có hai sân vận động hiện đại là Jakarta 82.000 chỗ và sân Gelora Bung Karno hơn 77.000 chỗ (sức chứa ban đầu 105.000 chỗ ngồi).
Singapore cũng có sân vận động 55.000 chỗ nằm trong khu liên hợp thể thao quốc gia được xây tổ chức SEA Games 2015. Trong khi đó, Campuchia có sân vận động quốc gia Olympic sức chứa 70.000 chỗ (giờ còn hơn 50.000 chỗ) và Modorok Techo 60.000 chỗ được xây mới cho SEA Games 32.
TP.HCM cần nghiên cứu kỹ sức chứa cho sân mới
TP.HCM xây sân vận động mới hiện đại là điều rất cần thiết và cấp bách. Bao năm qua, đội tuyển Việt Nam hầu như không thi đấu một giải chính thức nào tại TP.HCM vì sân Thống Nhất đã quá cũ kỹ, sức chứa nhỏ (chỉ còn hơn 14.000 chỗ).
Hạn chế này cũng nằm ở cả lĩnh vực giải trí. Nhóm nhạc nổi tiếng Blackpink (Hàn Quốc) muốn tổ chức biểu diễn tại TP.HCM nhưng rốt cuộc chỉ có thể biểu diễn ở sân Mỹ Đình do sân Thống Nhất không đủ tiêu chuẩn.
Trên thực tế, không phải lúc nào sân vận động cũng đầy kín khán giả nếu như đó không phải là trận đấu hấp dẫn hoặc mang tính quyết định cho chức vô địch. Tuy nhiên, nhiều trận đấu trên sân Mỹ Đình quá tải là có thật. Quan trọng hơn, TP.HCM cần có tầm nhìn xa để đầu tư cho cơ sở vật chất, đặc biệt là sức chứa cho sân vận động mới.
Nói vậy bởi 50.000 chỗ là quá ít so với tỉ lệ dân số TP.HCM hiện tại chứ chưa nói đến tương lai. Chưa kể, với các sự kiện lớn của TP.HCM hay quốc gia, sân chỉ có sức chứa 50.000 chỗ sẽ là một hạn chế.
Trong khi nếu đã đầu tư xây sân vận động mới thì xây hẳn sân có sức chứa lớn. Vì sau này nếu sân vận động không đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ, sẽ rất khó để cải tạo.
Bình luận trên các bài viết của Tuổi Trẻ về loạt bài TP.HCM đầu tư lớn cho thể thao, nhiều bạn đọc đều cho rằng TP.HCM cần xây sân vận động có sức chứa 70.000 đến 80.000 chỗ mới đáp ứng được cho tương lai.
Vấn đề hiệu quả sử dụng
Chia sẻ về câu chuyện này, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Mai Bá Hùng cho biết: "Sân vận động mới dự kiến xây chỉ có 50.000 chỗ là vì Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc còn có một sân vận động 20.000 chỗ nữa.
Thời điểm này tôi nghĩ sân vận động 50.000 chỗ là tốt. Vấn đề là sân vận động được xây dựng hiện đại đến mức độ nào và chúng ta có sử dụng nó hiệu quả hay không thôi.
Tất nhiên là ở đó vẫn còn khoảng đất dự phòng cho việc mở rộng sân vận động cho kiến trúc sư thiết kế lại nếu như chúng ta đặt vấn đề đó. Còn trước mắt, khoảng đất dự phòng đó có thể dùng làm bãi đỗ xe hay công trình công cộng".
"Sân vận động quốc gia Singapore có sức chứa 55.000 chỗ, một năm cũng tổ chức được bao nhiêu trận. Vì vậy, chúng ta xây một sân vận động mới phải tính toán nhiều yếu tố về sức chứa", ông Mai Bá Hùng nói thêm.
Điều này cũng được chuyên gia Đoàn Minh Xương đồng tình. Theo ông Xương, để có thể đầu tư hiệu quả, tránh như sân Mỹ Đình hiện tại, những người làm quy hoạch cho thể thao TP.HCM nói chung và bóng đá nói riêng cần tư duy và tầm nhìn thì mới phát huy hiệu quả của cơ sở vật chất thể thao.
Ông Xương nói: "Làm sân vận động một năm mà không biết đá được bao nhiêu trận, chi phí bảo dưỡng và nuôi bộ máy mà không khai thác được thì hiệu quả không cao, thậm chí là gánh nặng cho ngân sách.
Ví dụ như sân vận động cần phải chủ động khai thác thêm sự kiện âm nhạc để có thêm chi phí, vừa phục vụ nhu cầu của người dân. Vì vậy, vấn đề không phải là sức chứa bao nhiêu mà là cách khai thác và vận hành sân vận động".
Sân Mỹ Đình nhiều lần quá tải
Giải U19 Đông Nam Á 2014, sân Mỹ Đình đón đến 50.000 khán giả đứng kín cả hành lang khán đài xem trận chung kết giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản (khách mời).
Hôm sân Mỹ Đình tổ chức cho người hâm mộ vào xem trận chung kết Giải U23 châu Á 2018 giữa đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan trên màn hình lớn, sân Mỹ Đình ước tính đón đến 60.000 người chen chúc nhau.
Gần nhất là AFF Cup 2018, sân Mỹ Đình cũng không còn chỗ trống khi đội tuyển Việt Nam đá với Malaysia trong khi vẫn còn nhiều người không thể kiếm được vé vào sân.
Việc TP.HCM lên kế hoạch đầu tư lớn cho thể thao qua hàng loạt dự án xây mới hàng ngàn tỉ đồng thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Nhưng từ dự án đến thực tế là một câu chuyện dài mà chính những người từng trong cuộc cho rằng không hề đơn giản.