1. Chừng nửa giờ sau, lại âm thanh tương tự. Chị Vân thừa biết giờ mới tới lượt... chồng mình, trở về từ một hàng quán nào đó, cũng bằng xe ôm công nghệ.
Cảnh này gần đây khá là quen thuộc, nhưng vẫn khiến chị Vân hơi buồn cười với ý nghĩ: Bây giờ mỗi khi các ông "có độ" là được xe ôm lần lượt "trả hàng" như này. Nói chứ, chị Vân cũng như nhiều bà vợ khác, vẫn mừng thầm khi số lần chè chén của chồng mình đã giảm đáng kể.
Từ ngày cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, cộng với mức phạt khá nặng, thì quán nhậu dường như vắng vẻ hơn. Những người cẩn trọng đã bắt đầu thấy ngại.
Phương tiện di chuyển từ tiệc rượu về nhà cũng được các "đệ tử lưu linh" điều nghiên cẩn thận. Phải công nhận là nhờ đó mọi người cũng ý thức hơn trách nhiệm của mình, là khi đã nâng ly thì không thể cầm lái. Đặc biệt là việc ép uổng, khích bác nhau say sưa bét nhè cũng bớt hẳn.
2. Tại văn phòng, vài đồng nghiệp của chị Vân khi "sét kèo" đã mạnh dạn tuyên bố: Nhậu bao nhiêu cũng được, chớ tiếc vài chục ngàn đi xe ngoài, để rồi tốn đến mấy triệu tiền phạt. Vừa mất tiền vô duyên lại còn tự đặt mình vào thế khó bị giam xe, bằng lái.
Coi như chi khoản tiền nhỏ đó để ủng hộ mấy anh em xe công nghệ trong mùa kinh tế khó khăn này vậy!
Đừng để người ta chê rằng ở bàn nhậu thì la to lắm, còn khi gặp công an để thổi nồng độ như con mèo hen! Lại có bạn trẻ tếu táo kể rằng: Trước đây ba tôi thường xuyên tự chạy xe ra ngoài uống bia, tôi nhắc vài lần không nghe, kêu vui uống chút chút, có sao đâu.
Trót lọt vài lần thì tuần trước bị kiểm tra và giam xe, mất tiền phạt. Thôi vậy cho ba nhớ lâu vậy. Mai này đi nhậu chắc ba tôi sẽ điện... mẹ tôi ra đón về rồi! Riêng tôi vẫn ủng hộviệc lập chốt nhé!
3. Chồng chị Vân nửa đùa nửa thật bảo chắc anh từ nay về nhà nhậu quá! Vừa vui, vừa an toàn, lại có mồi bén. Rủ thêm một, hai ông hàng xóm nữa, hát vài bài với nhau, chừng mực và tiết kiệm. Vợ con an tâm, ít cằn nhằn, mà đỡ gây hại sức khỏe như khi chè chén ngoài kia.
Còn không thì vợ chồng mình... nhậu với nhau, chẳng phải tửu lượng vợ cũng khá, lại biết nói chuyện thời sự rất thú đó sao! Ai bảo vợ chồng vốn là bạn đời, bạn tri kỷ thì không thể trở thành... bạn nhậu kia chứ!
Chị Vân nghe xong tự nhủ, ừ thì cuối tuần này đi siêu thị lựa vài loại bia ngon ngon mà chồng thích uống, trữ sẵn trong tủ lạnh, giải quyết tại gia cái khâu "ghiền bia" của chồng.
Biết đâu nhờ cánh đàn ông chịu "ta về ta nhậu nhà ta" mà nhiều gia đình bớt xào xáo cắn đắng, xã hội bớt được mối nguy lảo đảo xe cộ bất an ngoài đường!
* Chị NGUYỄN THỊ BÍCH THẢO (giám đốc Công ty GazeFi, TP.HCM):
Đo nồng độ cồn - chiến dịch tốt nhưng cần thêm lưu ý
Là người vợ có chồng là giám đốc, thường xuyên tiếp khách hàng và đối tác nhưng vợ chồng tôi ủng hộ 100% việc đo nồng độ cồn để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Tuy nhiên tôi cũng có vài ý kiến cá nhân mong sẽ giúp cho chiến dịch này vừa an toàn, hiệu quả và đi vào lòng người.
1. Làm sao dẹp được nạn say xỉn trong lái xe để an toàn giao thông là điều tốt nhưng nên có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn là chỉ đo rồi phạt.
Vì chiến dịch này ra đời nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông chứ không phải mục đích phạt những người có uống chút bia rượu.
Phương pháp: nên kết hợp việc đo nồng độ cồn với phương pháp bên Mỹ đã thực hiện là "phương pháp xác định năng lực điều khiển hành vi dưới tác động của nồng độ cồn".
2. Làm sao để kinh tế tiếp tục phát triển mà giảm thiểu tai nạn giao thông vì rượu bia đó mới là điều cần làm. Tôi không ủng hộ bia rượu nhưng khi Nhà nước cho phép các công ty bia/ rượu hoạt động, các quán ăn nhà hàng mở cửa thì làm sao cho họ hoạt động tốt mà khách của họ được an toàn.
3. Làm sao cho ý thức người dân tốt lên khi họ có uống bia rượu thì sẽ không lái xe. Làm sao để các người vợ luôn nhắc chồng không lái xe khi có chút rượu bia. Làm sao để người say phải cảm ơn các anh cảnh sát giao thông đã tuýt còi và đo nồng độ cồn để mình được an toàn về nhà...
* Chị PHAN NGUYỆT ÁNH (quản lý ở một công ty vi mạch tại Đà Nẵng):
Uống rượu bia mà lái xe là cực kỳ xấu
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đo nồng độ cồn nhằm hạn chế nhậu nhẹt, rồi lái xe không an toàn.
Tôi cho rằng nghiêm cấm người nhậu lái xe bằng đo nồng độ cồn phải được xem là biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông chứ không phải để phạt.
Rượu bia là "văn hóa" đã có ở Đông Tây, kim cổ, tuy nhiên đã uống rượu bia thì không lái xe. Quy định vậy mà người uống bia rượu vẫn lái xe thì nên phạt và phạt nặng.
Tôi thấy có vẻ phạt tiền với người đi nhậu lái xe còn nhẹ quá, nhiều người vẫn còn xem nhẹ và không sợ. Riêng khoản này, phạt tiền không đủ, áp dụng mức phạt tù như Hàn Quốc kia mới được.
Khách nhậu thưa thớt vì sợ bị thổi nồng độ cồn, ông chủ quán nhậu bèn nhanh trí startup nghề mới...