Nghe Cảnh Trần kể lại hành trình đến với nhạc cổ điển, có cảm giác anh đã trải qua một cuộc phiêu lưu dài. Anh vừa đoạt giải nhất bảng A cuộc thi Hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc năm 2023 tại Hà Nội vừa qua.
Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức.
Giấu gia đình học nhạc
Tóc vuốt keo, ghim cài và khăn cài túi áo vest lại hát nhạc cổ điển, Cảnh Trần dễ bị nhầm là người được học nhạc bài bản từ nhỏ.
Bởi trong nhánh nghệ thuật hàn lâm này, nhiều người là con nhà nòi hoặc gia đình có điều kiện ở thành phố, được tiếp xúc nhạc cổ điển từ sớm. "Mình là trai Mường chính hiệu đấy. Một người dân tộc Mường mê nhạc cổ điển. Nhà mình chẳng có ai làm nghệ thuật", Cảnh Trần nói.
Tuy nhiên, phải đến khi bước chân vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, "âm nhạc" đối với Cảnh Trần mới chính là nhạc cổ điển, còn trước đó thì chỉ đơn thuần là bản năng và đam mê một cách chung chung.
Cha Cảnh Trần là một bộ đội và mong con trai theo nghiệp bố. Trong khi đó, đứa con chỉ mê hát và khi điền nguyện vọng thi đại học, anh chỉ điền một nguyện vọng duy nhất: được hát.
Năm lớp 11, Cảnh Trần giấu cha mẹ nộp hồ sơ vào trung cấp hệ dân sự Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội nhưng ở Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), thông tin ít ỏi nên khi Cảnh Trần nộp thì đã quá hạn.
Năm sau đó, trường ngừng tuyển hệ này nên Cảnh Trần "đánh liều" nộp hồ sơ vào hệ trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, lúc đó đã sát ngày thi nên trường ngừng nhận hồ sơ, Cảnh Trần lại lỡ thêm một năm.
Tốt nghiệp trung học, Cảnh Trần quyết định giấu cha mẹ, cuối tuần lại đón xe buýt từ Hòa Bình đi thẳng xuống Hà Đông để học nhạc ở trung tâm dạy nhạc của một ông anh cùng quê.
Vài tháng đi đi lại lại như thế, Cảnh Trần là khách quen của các bác tài xe buýt nhưng vẫn chưa biết trung tâm Hà Nội ra sao, "mặt mũi" Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam như thế nào.
Có một ngày "vô định", Cảnh Trần lên bừa một chuyến xe buýt xuống gần Ngã Tư Sở. Cảnh Trần đi bộ như đi trong sương mờ, chẳng hiểu thế nào lại lên tận Hào Nam, nơi "đóng đô" của học viện. Ngôi trường to, đẹp và mơ ước quá, Cảnh Trần như thầm reo trong lòng.
Khi trở về, anh xin cha mẹ cho mình một năm, nếu không đỗ thì sẽ đi nghĩa vụ quân sự để theo nghiệp bố. Anh xuống Hà Nội ở nhà thuê cùng anh chị tại Gia Lâm và xin làm nhân viên bán vé cho một bể bơi gần cầu Vĩnh Tuy với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Hằng ngày, vào lúc 4h30, Cảnh Trần đã có mặt ở bến xe buýt để kịp hơn 5h mở cửa bể bơi, đón những vị khách đầu tiên rồi ở đó tới 21h30 mới về nhà. Một tuần thì có một, hai bữa, Cảnh Trần lại nhờ các nhân viên ở đó trực hộ giờ trưa, lên xe buýt xuống Hà Đông học nhạc khoảng vài tiếng.
Miệt mài một năm trời, cho tới năm 2018, Cảnh Trần đỗ vào trung cấp khoa thanh nhạc của học viện. Cha mẹ nói nếu đó là lựa chọn của con, sau này sướng khổ tự chịu.
Như một giấc mơ dài
Lớp của Cảnh Trần khi đó chỉ có mình Cảnh Trần từ quê lên. Để theo kịp các bạn, anh phải cố gắng nhiều và "bám thầy - NSND Quốc Hưng - như đỉa".
Dẫu học trung cấp, nhưng hễ thầy có lớp ở hệ đại học, Cảnh Trần lại đến lớp nghe thầy giảng cho bằng được. Học được ba năm trung cấp, Cảnh Trần "nhảy cấp"; hiện là sinh viên năm 3 hệ đại học chính quy của học viện.
Năm 2019, Cảnh Trần đến nghe các anh chị tham gia cuộc thi Hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc (bốn năm diễn ra một lần).
Anh chàng có mặt từ ngày đầu tới ngày cuối cùng, lần nào cũng 1h-2h sáng mới về đến nhà. "Lúc nghe các anh chị hát, mình thấy nổi da gà vì giọng hát của họ bao trùm cả khán phòng. Mình tự hỏi, bao giờ mình mới được đứng ở đây hát như thế", Cảnh Trần nhớ lại.
Năm nay, nhờ sự động viên và khuyến khích của thầy Quốc Hưng, Cảnh Trần "liều" đăng ký tham dự cuộc thi. Để luyện tổng cộng bảy tác phẩm cho hai vòng, trong đó có cả tiếng Đức và tiếng Anh, Cảnh Trần đã phải nỗ lực rất nhiều.
Khi kết quả xướng lên, chàng trai sinh năm 2000 như không tin vào tai mình. Cảnh Trần nhìn thầy Hưng, lúc đó, thầy đứng ở một bên cánh gà, xúc động nhìn người học trò đang đứng trên bục giải thưởng.
Cảnh Trần kể với Tuổi Trẻ, điều hạnh phúc nhất lúc đó là khi nhìn cha mẹ và nghe câu "chúc mừng con giai!". Cảnh Trần có cảm giác chặng đường đã đi qua như một giấc mơ không có thật. Anh thở phào nhẹ nhõm và cả thấm thía.
Bất giác, đó cũng là lúc khung cảnh xưa kia thoáng hiện về. Một học sinh miền núi, trong những lúc vô định nhất, không biết đời mình sẽ trôi về chốn nào, từ khu nhà tập thể quân đội của gia đình, đã đạp xe thật nhanh đi giữa cánh đồng trong một buổi nắng hắt xuống rực rỡ, để đi về bên núi và hát ca oang oang cho thỏa nỗi niềm.
"Khi được hỏi bí quyết làm thế nào vẫn giữ được đẳng cấp chơi nhạc thượng thừa ở tuổi 65, huyền thoại Shlomo Mintz đã trả lời: Kỷ luật, kỷ luật, kỷ luật!" - nghệ sĩ violin Chương Vũ cười.