Ngày 10-12, TP Cần Thơ tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Quyết tâm phát triển giao thông
Theo Thủ tướng, ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, là vùng đồng bằng trù phú, vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy hải sản, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Nhưng vùng ĐBSCL có hạ tầng chiến lược (giao thông, khu công nghiệp, văn hóa – xã hội) còn rất khó khăn. Cạnh đó là tác động của biến đổi khí hậu rất lớn, sụt lún, sạt lở, ngập mặn, hạn hán đều có cả. Cuối cùng đó là vấn đề nguồn nhân lực.
Ba vấn đề trên trong quy hoạch vùng đã được nói. Về giao thông, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, quyết định phải xây dựng bằng được tuyến cao tốc Bắc – Nam, nối từ TP.HCM xuống đến Cà Mau.
“Hôm qua dự hội nghị, tôi đề nghị Cà Mau tiếp tục xây dựng dự án nối từ Cà Mau đến mũi Cà Mau (Năm Căn), tiếp tục còn khoảng 70km. Nhiều đoạn tuyến sẽ khánh thành cuối năm nay, đến 2025 phải cơ bản hoàn thành đến Cà Mau” – Thủ tướng nói.
Kế đến là tuyến Đông – Tây, từ Sóc Trăng lên Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang và kết nối sang Campuchia, dứt khoát chúng ta phải hoàn thành trong nhiệm kỳ này, theo Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến một số cảng như cảng Cái Cui (Cần Thơ) phải nâng cấp lên, phải tái cấu trúc quản trị, đầu tư, các chân hàng; Nghiên cứu cảng Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Hòn Khoai. Tiếp đến là đường sắt cao tốc phải làm từ TP.HCM đến Cần Thơ.
Song song đó, hạ tầng hàng không phải củng cố, nâng cấp các sân bay vì không thể thiếu hàng không do di chuyển tiết kiệm thời gian. Hệ thống cảng thủy nội địa cũng phải quan tâm. Hạ tầng văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế…
Theo Thủ tướng, Cần Thơ nằm trong khu vực ĐBSCL. Quy hoạch Cần Thơ phải bám vào các nghị quyết của trung ương về phát triển vùng ĐBSCL, về phát triển TP Cần Thơ.
Cần Thơ phải tự lực đi lên
Thủ tướng nhấn mạnh “vấn đề đầu tiên là tiền đâu”, đó là nguồn lực để thực hiện Quy hoạch Cần Thơ. Theo đó, Thủ tướng lưu ý, “nguồn lực là từ tự lực, tự cường, từ nguồn lực nội sinh của Cần Thơ là chính, không trông chờ, ỷ lại vào đâu cả”.
“Cần Thơ là trung tâm của vùng, có đầu mối giao thông kết nối rất thuận lợi, nhiều trường đại học, cao đẳng. Cần Thơ phải đi lên chính bằng nội lực của mình, không trông chờ và ỷ lại. Phải đi lên bằng nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa, bằng trí tuệ, đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào những ngành mới nổi là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tri thức…” – Thủ tướng nói.
Nguồn lực thứ hai theo Thủ tướng là phát huy từ hệ thống giao thông kết nối trong vùng, kết nối giữa 13 tỉnh, thành với nhau, tạo ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp mới, khu dịch mới, du lịch mới. Từ giao thông làm gia tăng giá trị sử dụng đất, giảm giá thành logistics để hàng hóa tăng sức cạnh tranh.
Thứ ba là kết hợp nguồn lực kết hợp công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Nguồn lực đất nước thì có hạn nên phải huy động hợp tác công tư. Muốn vậy phải có môi trường đầu tư tốt, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra phải mạnh dạn vay các quỹ đầu tư để có thêm nguồn lực.
Thêm đó là nguồn lực từ cơ chế chính sách, từ thực tiễn của Cần Thơ phải đề xuất cơ chế, chính sách. Cơ chế chính sách cũng là nguồn lực, cũng là tiền, thay vì xin tiền thì xin cơ chế chính sách.
“Tôi đề nghị Cần Thơ hướng đến xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, còn tiền thì nhà nước chỉ có thế thôi, không thể phân bổ nhiều hơn cho Cần Thơ được vì các tỉnh còn nghèo, nhiều nơi còn khó khăn. Làm sân bay, bến cảng, cao tốc cho Cần Thơ là đầu tư cho Cần Thơ rồi” – Thủ tướng cho hay.
Cũng theo Thủ tướng, Cần Thơ phải giải phóng mặt bằng, bởi "Cần Thơ làm ỳ ạch lắm, phải cố gắng, vận động nhân dân, chăm lo đời sống, khu tái định cư phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”.
“Nguồn lực là làm cái gì dứt cái đó, đừng kéo dài hàng chục năm trời”- Thủ tướng nói và đề nghị các bộ ngành chung tay, chung sức, vào cuộc thực sự với Cần Thơ. Cần Thơ cần chính sách gì thì ủng hộ theo thẩm quyền.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư đến Cần Thơ đầu tư nghiêm túc lâu dài, gắn chiến lược đầu tư của mình với các quy hoạch của vùng, quy hoạch của Cần Thơ trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Các nhà đầu tư đã hứa là phải làm, đã cam kết thì thực hiện và đã làm thì phải ra sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cần Thơ cũng là của cả vùng.
Kêu gọi đầu tư 56 dự án
Tại Hội nghị, lãnh đạo TP Cần Thơ đã trao bảng ghi nhớ và hoa chúc mừng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư có nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào các lĩnh vực kêu gọi đầu tư của TP Cần Thơ.
TP Cần Thơ kêu gọi đầu tư vào 56 dự án thuộc 10 lĩnh vực về hạ tầng công nghiệp; thương mại; phát triển đô thị; hạ tầng nông nghiệp; hạ tầng cấp nước; y tế; giáo dục; văn hóa; giao thông vận tải; tài nguyên môi trường; hạ tầng xã hội.
Đến 2050, Cần Thơ trở thành TP thông minh đáng sống của Việt Nam
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng, Quy hoạch TP Cần Thơ có mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; TP sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ là TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các TP phát triển khá ở Châu Á, trở thành TP thông minh đáng sống của Việt Nam.
Lãnh đạo Cần Thơ nói về hơn 2.000 tỉ nợ thuế cần thu hồi
(PLO)- Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, tuy nói hơn 2.000 tỉ nợ thuế có khả năng thu hồi nhưng thực chất thì khả năng hơn 70% trong số này là không có khả năng thu hồi.