Giá cao nhưng không nhãn phụ
Tại cửa hàng Vegan chuyên bán thực phẩm thuần chay trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TPHCM, nhiều khách hỏi mua thực phẩm chay nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Rất nhiều sản phẩm được người bán giới thiệu nuôi trồng ở vùng nước không bị ô nhiễm kim loại, 100% thiên nhiên, không chất bảo quản, không biến đổi gen, không bột ngọt... Thế nhưng, thông tin trên bao bì sản phẩm toàn chữ Hàn, chữ Nhật, không có nhãn phụ tiếng Việt, người mua chỉ nghe tư vấn của người bán.
Rất nhiều sản phẩm chay nhập khẩu không hề có nhãn phụ tiếng Việt |
Cửa hàng Hữu Duyên trên đường Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận cũng bán đủ loại thực phẩm chay nhập từ Nhật Bản. Đưa chúng tôi xem bịch hạt nêm rong biển gồm 18 gói (8g/gói), nhân viên giới thiệu hạt nêm làm từ tảo bẹ Hokkaido, Kuseganaku, không có chất bảo quản. Chúng tôi thắc mắc về việc không có thông tin tiếng Việt thì nhân viên giải thích: “Do bán chạy quá, hàng về chưa kịp dán nhãn”. Rất nhiều sản phẩm khác tại cửa hàng đang bán rất chạy nhưng lại thiếu thông tin trên bao bì. Chẳng hạn, mặt hàng chả lụa chay chỉ được bọc ni-lông, không nhãn mác.
Thực phẩm chay ngoại nhập, hữu cơ cũng đang được chào bán rầm rộ trên các trang mạng. Trên Shopee.vn, sản phẩm men dinh dưỡng thuần chay nhãn hiệu L.H. có xuất xứ Đài Loan, nhưng trong phần giới thiệu lại ghi “men dinh dưỡng Pháp”, giá 370.000 đồng/hộp, sản phẩm cũng không có thông tin tiếng Việt theo quy định. Tảo xoắn được quảng cáo có xuất xứ Chile, giá 250.000 đồng/gói nhưng sản phẩm được đóng trong túi ni-lông, không có nhãn mác. Dầu hào chay hữu cơ có giá 110.000 đồng/chai 155ml, được giới thiệu “làm từ nấm Đài Loan, trong thành phần có cam thảo” nhưng toàn chữ Tàu, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Trang chaysach.com chào bán bột Mayonnaise thuần chay “không chứa sữa, không có trứng và không chứa gluten”, xuất xứ Úc, hộp 250g giá 290.000 đồng nhưng thông tin nhãn cũng toàn tiếng Anh.
Khó xác định độ an toàn
Theo đại diện Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cả thực phẩm chay chế biến sẵn và đóng gói đều có nguy cơ nhiễm khuẩn nếu quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản không tuân thủ đúng quy định. Nhưng, người mua lại rất khó xác định được mức độ an toàn của thực phẩm chay.
Để sản xuất thực phẩm chay an toàn, các cơ sở kinh doanh, sản xuất phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, các điều kiện về nhà xưởng sản xuất, lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc nguyên liệu. Cơ sở sản xuất chỉ được sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế, tự công bố chất lượng sản phẩm và tuân thủ các quy định về việc ghi nhãn hàng hóa.
Thực phẩm chay nhập khẩu phải có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt; nhãn này phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng thông tin như tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, thành phần, định lượng (kể cả chất phụ gia), giá trị dinh dưỡng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng...
Thực tế, việc tuân thủ quy định và việc quản lý đối với nhóm thực phẩm chay nói chung và thực phẩm chay ngoại nhập hiện còn lỏng lẻo. Tiến sĩ Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen - nêu nghịch lý: “Thực phẩm chay xuất khẩu thì được kiểm soát chặt chẽ do yêu cầu cao từ các nước nhập khẩu, còn thực phẩm chay nhập khẩu, tiêu dùng trong nước thì các cơ quan quản lý còn lơ là trong kiểm soát”.
Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, có nhiều cơ quan hữu trách quản lý về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chay như Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vì nguyên liệu làm thực phẩm chay là nông sản) và Bộ Công thương (Tổng cục Quản lý thị trường), nhưng khó chỉ rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, vì cách phân công nhiệm vụ ở Việt Nam còn mơ hồ.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.7247141a-noh-naot-na-oc-pahn-iaogn-yahc-od/nv.moc.enilnounuhp.www