Ảnh minh họa
Nếu bỏ sót, người bệnh nhanh chóng bị biến chứng của tăng huyết áp như đột quỵ, suy tim, suy thận; nhưng nếu chẩn đoán quá tay, người bệnh phải uống thuốc và chịu tác dụng phụ không cần thiết.
Hướng dẫn mới nhất về việc đo huyết áp là nên đo huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử, khi ở tư thế ngồi và sau khi đã nghỉ ngơi yên tĩnh tối thiểu 10 phút, đo ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 phút và lấy trị số trung bình của 2 lần đo. Tuy nhiên, việc đo huyết áp tư thế ngồi liệu có đủ hay không, vì huyết áp khi đứng và khi ngồi có thể khác nhau.
Mới đây trên tạp chí Scientific Reports (Báo cáo khoa học) đã công bố nghiên cứu về vấn đề có nên đo huyết áp khi đứng hay không. Có 125 người tình nguyện tham gia, tuổi trung bình là 49, 62% là nữ, không có bệnh tim mạch và không có tiền sử tăng huyết áp trước đó.
Họ được đo huyết áp lưu động 24 giờ, đo huyết áp tư thế ngồi 3 lần và đo huyết áp khi đứng 3 lần. Kết quả cho thấy huyết áp tâm thu ở tư thế đứng cao hơn đáng kể huyết áp tư thế ngồi, còn huyết áp tâm trương thì ngược lại (ví dụ huyết áp 120/80mmHg, thì 120 là huyết áp tâm thu, 80 là huyết áp tâm trương).
Các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng để chẩn đoán tăng huyết áp, huyết áp tâm thu đo ở tư thế đứng nhạy hơn tư thế ngồi, như vậy tránh bỏ sót bệnh.
Mặc dù nghiên cứu này số người tham gia chưa nhiều, nhưng đây là một gợi ý rằng chúng ta liệu có đang bỏ sót chẩn đoán cho bệnh nhân nếu chỉ đo huyết áp ở tư thế ngồi hay không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào những nghiên cứu khác trong tương lai.
Tăng huyết áp là bệnh lý rất phổ biến, nhưng tỉ lệ được tiếp cận điều trị, tỉ lệ kiểm soát huyết áp vẫn còn thấp. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều trường hợp đột quỵ đáng tiếc xảy ra.
Ai có nguy cơ cao bị tăng huyết áp?
- Lớn tuổi
- Gia đình có người bị cao huyết áp
- Thừa cân hoặc béo phì
- Không tập thể dục, có lối sống tĩnh tại
- Chế độ ăn nhiều muối
- Uống quá nhiều rượu bia
- Có bệnh thận
Những triệu chứng báo hiệu có thể huyết áp bạn đang cao:
- Đốm máu trong mắt: còn gọi là xuất huyết dưới kết mạc, phổ biến ở những người có cao huyết áp kèm tiểu đường.
- Đỏ bừng mặt: do các mạch máu lên mặt bị giãn ra, nó cũng có thể xuất hiện khi bạn phơi nắng, ăn cay, ăn đồ nóng, căng thẳng, uống rượu, tập thể dục. Nhưng nếu bạn thường xuyên đỏ bừng mặt, hãy cẩn trọng với huyết áp của mình.
- Chóng mặt: mặc dù chóng mặt là triệu chứng của nhiều bệnh, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy huyết áp đang tăng lên, nhất là khi chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng và đi lại khó khăn.
- Ngoài ra, đau đầu dữ dội, đau ngực, khó thở, buồn nôn, ù tai, chảy máu cam, tim đập loạn nhịp cũng có thể là những dấu hiệu cho thấy huyết áp của bạn đang thật sự bất ổn.
- Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, bạn nên đo huyết áp của mình hoặc đi khám để được đánh giá đầy đủ rủi ro và điều trị thích hợp.
Làm sao để phòng ngừa huyết áp tăng cao?
Ăn nhiều trái cây, kali trong trái cây rất tốt cho tim mạch của bạn.
Vận động, bất cứ một bài tập nào vẫn tốt hơn là bạn ngồi yên một chỗ.
Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.
Khám định kỳ, tự theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp điện tử.
Ăn lạt.
Huyết áp bao nhiêu là tối ưu?
Câu trả lời tùy thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe và bệnh kèm theo. Đa số nên bắt đầu điều trị khi huyết áp trên 140/90mmHg, đích huyết áp cần đạt là dưới 130/80mmHg (nếu lớn tuổi đích cần đạt là dưới 140/80mmHg).
Các bác sĩ Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ vừa can thiệp cứu sống bệnh nhân có tới 5 túi phình mạch máu não hiếm gặp, biểu hiện ban đầu là tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, uống thuốc không giảm.