Theo báo Financial Times, gián đoạn cùng lúc tại kênh đào Panama và kênh đào Suez - hai hành lang vận chuyển hàng hóa quan trọng của thế giới - đang đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu trước mùa cao điểm lễ hội và dịp lễ Giáng sinh cận kề.
Thảm họa cho vận chuyển toàn cầu
Phụ thuộc vào nước ngọt để vận hành các âu thuyền, kênh đào Panama hơn 100 năm tuổi đang phải đối diện với một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất từ trước đến nay. Kênh đào Panama đóng vai trò quan trọng khi khoảng 3% lượng hàng hóa thương mại của thế giới được vận chuyển qua tuyến đường thủy huyết mạch này.
Do hạn hán, kể từ tháng 11, lượng tàu đi qua kênh đào Panama so với mức trung bình sẽ bị hạn chế xuống còn 25 chiếc/ngày, so với mức 31 chiếc/ngày từ đầu năm 2023. Đến trước tháng 2-2024, kênh đào này sẽ chỉ cho phép 18 tàu đi qua mỗi ngày.
Giới hạn này cho thấy kênh đào Panama sắp tới sẽ chỉ phục vụ khoảng một nửa nhu cầu vận chuyển hàng hóa hằng ngày qua đây.
Theo đơn vị phân tích thương mại MarineTraffic, trong tuần đầu tiên của tháng 12-2023, khoảng 167 tàu đã đi qua kênh đào Panama, ít hơn so với 238 tàu vào cùng thời điểm năm ngoái.
Các tàu không đặt trước phải chờ trung bình 12,2 ngày để vượt qua con kênh dài 81,5km nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Một số tàu đã bị kẹt lại trong hơn hai tuần.
"Hạn hán tại kênh đào Panama gây lo ngại nghiêm trọng" - ông Rolf Habben Jansen, giám đốc điều hành của Tập đoàn Hapag-Lloyd của Đức, nhận định.
Hapag-Lloyd là tập đoàn sở hữu tàu container lớn thứ năm thế giới và hãng này vận chuyển hầu hết lượng hàng hóa sản xuất trên toàn cầu.
Theo ông Marco Forgione - tổng giám đốc Viện Xuất khẩu và thương mại quốc tế (Anh), sau nhiều tháng vận chuyển gián đoạn tại kênh đào Panama, các mặt hàng điện tử tiêu dùng như iPhone có thể sẽ "không có hàng", các bên nhập khẩu cũng gặp khó khăn cho việc nhập khẩu kịp thời đồ trang trí cho dịp Giáng sinh.
Với việc kênh đào Panama đang hạn chế tàu thuyền qua lại, Tập đoàn Hapag-Lloyd cùng nhiều hãng vận chuyển khác đã buộc phải chọn các tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn. Hapag-Lloyd thông báo chuyển hướng ít nhất 42 tàu của mình từ kênh đào Panama đến Suez để vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và bờ biển phía đông Mỹ. Kênh đào Suez nằm trên lãnh thổ Ai Cập, nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, tuyên bố tấn công vào các tàu Israel tại Biển Đỏ của nhóm Houthi đã làm dấy lên một lo ngại khác cho ngành công nghiệp vận tải toàn cầu.
Hôm 9-12, nhóm Houthi đe dọa sẽ tấn công bất kỳ tàu nào tại Biển Đỏ hướng đến các cảng của Israel, trừ khi thực phẩm và thuốc men viện trợ được phép vào Dải Gaza.
Ông Forgione nhận định nếu các cuộc tấn công do nhóm phiến quân Houthi của Yemen gần khu vực kênh đào Suez trở nên ngày càng trầm trọng hơn, cộng hưởng cùng các hạn chế hiện tại của kênh đào Panama, có thể gây ra "thảm họa" cho vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Tìm giải pháp để giảm chi phí
Đã có dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn tại hai kênh đào huyết mạch đang làm tăng chi phí hàng hóa, khi nhiều chủ tàu áp dụng phụ phí hàng trăm USD cho mỗi container được vận chuyển qua kênh đào Panama. Trong thời gian ngắn, chi phí cho mỗi tàu khi đi qua kênh đào này đã tăng lên hàng triệu USD.
Tuần trước, Tập đoàn Hapag-Lloyd cho biết sắp tới sẽ áp dụng "phụ phí rủi ro chiến tranh" lên đến 80 USD cho tất cả các chuyến hàng đến và đi từ Israel.
Theo MDS Transmodal, việc chuyển tuyến từ Panama sang Suez sẽ khiến hành trình từ New York (Mỹ) đến Thượng Hải tăng thêm năm ngày, khi các tàu di chuyển với tốc độ 16 hải lý/giờ.
Nếu muốn tránh kênh đào Suez, các chủ tàu có thể chọn tuyến đường dài hơn vòng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, khiến hành trình từ New York đến Thượng Hải tăng thêm sáu ngày.
Ông Forgione nói sự gián đoạn này làm dấy lên lo ngại cho khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu, đồng thời đề xuất việc xem xét đến biện pháp thay thế các nguồn sản xuất và phương pháp vận chuyển - như đường hàng không.
"Chính phủ và doanh nghiệp cần xem xét về một chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi... Gần như không thể làm gì để cải thiện tình trạng này trong dịp Giáng sinh. Nhưng nếu không có hành động, tôi nghĩ sẽ có nguy cơ thiếu hụt trong suốt năm tới", ông Forgione nhận xét.
Trong khi đó, Chính phủ Mexico đang có động thái khôi phục tuyến đường sắt giữa vịnh Mexico và Thái Bình Dương nhằm nỗ lực khai thác lưu lượng hàng hóa từ kênh đào Panama.
Tuyến đường sắt hành lang trên eo đất Tehuantepec này có giá 2,8 tỉ USD, nối các cảng ở thành phố Salina Cruz tại bang Oaxaca và thành phố cảng Coatzacoalcos, bang Veracruz. Các đoàn tàu đang được chạy thử nghiệm trước khi chính thức đưa vào vận hành từ tháng 12.
Tuyến đường sắt này được cho là có triển vọng vận chuyển hàng hóa nhanh hơn đến Mỹ - trong khoảng 6,5 tiếng không tính thời gian bốc dỡ - ít hơn 8-10 tiếng vận chuyển qua kênh đào Panama.
Kênh đào Panama bị khô hạn, buộc các chủ hàng trên thế giới phải chi thêm nhiều triệu USD nếu không muốn đi vòng hàng ngàn km. Chi phí đội lên này dự kiến tính vào giá hàng hóa.