Ngày 11-12, Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV) dẫn lời người phát ngôn chính quyền quân sự nước này xác nhận cuộc gặp nhằm tìm giải pháp chính trị cho xung đột.
"Ủy ban Điều phối hòa bình và thống nhất quốc gia Myanmar đã gặp các đại diện của MNDAA, TNLA và AA với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Dựa trên diễn biến của cuộc trò chuyện, có thể sẽ có một cuộc gặp khác vào cuối tháng này", người phát ngôn Zaw Min Tun nói.
Ông cho biết họ đã gặp "liên minh ba anh em" gồm: Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội giải phóng dân tộc Ta'ang (TNLA) nhưng không nói rõ cuộc họp diễn ra khi nào, ở đâu và nội dung gồm những gì.
Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng cuộc đàm phán hòa bình đã mang lại kết quả tích cực. "Trung Quốc vui mừng khi thấy các bên xung đột ở miền bắc Myanmar tiến hành đàm phán hòa bình và đạt được kết quả tích cực", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh.
Ba nhóm nổi dậy có vũ trang phát động cuộc tấn công chống chính quyền quân sự Myanmar từ cuối tháng 10-2023. Cuộc nổi dậy đã lan ra toàn quốc, buộc quân đội Myanmar phải phòng thủ trên nhiều mặt trận.
Một số nhà phân tích cho rằng diễn biến hiện nay là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền quân đội kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Các nhóm nổi dậy liên kết với chính quyền dân sự Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) Myanmar đã giành quyền kiểm soát một số đồn quân sự và thị trấn gần biên giới với Trung Quốc ở phía bắc và các bang phía tây.
Đến nay, giao tranh đã khiến hơn 360 dân thường thiệt mạng và hơn nửa triệu người phải di tản, theo Liên Hiệp Quốc.
Theo tờ Irrawady, quân đội Myanmar tiếp tục tổn thất nhân lực và mất nhiều căn cứ vào tay các nhóm vũ trang.
Tại bang Shan ở phía bắc, đụng độ ác liệt tiếp diễn khi TNLA và MNDAA tấn công các căn cứ và mục tiêu quân sự ở các thị trấn Muse, Namkham, Mantong, Namhsan và Laukkai. Trong các cuộc tấn công, TNLA đã chiếm được căn cứ quân sự Kadaing Phue ở làng Nantkhae tại thị trấn Namhsan. Phe nổi dậy cũng chiếm được căn cứ quân sự ở khu vực Sagaing.
Chính phủ đã tổ chức chín chuyến bay miễn phí, đưa 1.020 công dân từ phía bắc bang Shan (Myanmar) về nước. Việt Nam cũng hỗ trợ Ai Cập, Malaysia và Singapore sơ tán một số công dân các nước này.