Reuters dẫn nguồn báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong tháng 10, các ngân hàng trung ương thế giới đã mua thêm tổng cộng 42 tấn vàng. Mặc dù con số này thấp hơn 41% so với mức mua vào trong tháng 9, nhưng vẫn cao hơn 23% so với lượng mua vào trung bình hàng tháng từ tháng 1 đến tháng 9 (34 tấn).
Cụ thể, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) mua 23 tấn và vẫn là bên thu mua nhiều nhất. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp ngân hàng này tăng dự trữ vàng. Tính từ đầu năm, PBoC đã mua 204 tấn, nâng tổng dự trữ vàng lên 2.215 tấn.
"Bất chấp PBoC mạnh tay mua vàng, dự trữ vàng vẫn chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc", WGC cho hay.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng gom một lượng vàng lớn. Trong tháng 10, dự trữ vàng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm 19 tấn lên 498 tấn.
Đáng chú ý, ngoài hai ngân hàng này, các ngân hàng trung ương khác cũng tiếp tục mua vàng, nhưng với khối lượng hạn chế hơn.
Ngân hàng trung ương Ba Lan được cho là mua thêm 6 tấn trong tháng 10. Trong vòng 10 tháng đầu năm, Ba Lan bổ sung thêm 100 tấn vàng, nâng dự trữ kim loại quý này lên 340 tấn.
WGC cho biết: "Thậm chí trước tháng 10, chúng tôi đã dự báo rằng năm 2023 sẽ là một năm mua ròng vàng đáng kể của các ngân hàng trung ương trên thế giới".
Louise Street, một chuyên gia của WGC, mới đây cũng nhận định: "Nhu cầu vàng đã và đang ổn định trong suốt cả năm qua với lợi suất tốt từ lãi suất cao và đồng USD mạnh. Trong tương lai, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự báo về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục gom vàng, nhu cầu đối với kim loại quý này có thể vượt mong đợi".
Báo cáo cũng cho biết thêm rằng các ngân hàng trung ương Ấn Độ, CH Czech, Kyrgyzstan và Qatar cũng là những bên mua vàng đáng chú ý trong tháng 10.
"Trước tháng 10, chúng tôi đã dự báo rằng năm 2023 sẽ là một năm mua ròng vàng đáng kể của các ngân hàng trung ương trên thế giới" – chuyên gia của WGC nhấn mạnh và dự đoán thêm - "Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục gom vàng, do đó nhu cầu đối với vàng trong thời gian tới có thể còn tăng cao nữa".
Giá vàng quốc tế và trong nước dờicột mốc quan trọng ngày đầu tuần
Theo số liệu trên báo Đầu Tư, tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 72,8 - 73,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), chiều mua vào giữ nguyên và bán ra giảm 200 nghìn đồng/lượng so với phiên trước.
Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán ở khoảng 1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng tiếp tục trượt dốc xuống dưới mốc 2.000 USD/ounce, chạm xuống đáy thấp nhất trong vòng 2 tuần qua trong bối cảnh giới đầu tư đang tỏ ra thận trọng trước cuộc họp về chính sách tiền tệ của hàng loạt các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong tuần này.
Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay giảm 0,25% xuống 1.998,11 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York giảm 0,06% xuống 2.015,7 USD/ounce.
Trước những biến động thị trường hiện nay theo giới chuyên gia phân tích nhận định, số liệu tích cực trên thị trường việc làm (tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% và số lượng việc làm mới trong tháng 11 đạt 199.000) đã phần nào khiến kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất bị thay đổi. Điều này đã khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh và tạo thêm áp lực đối với thị trường vàng.
Cùng với đó, số liệu của bảng lương phi nông nghiệp tại Mỹ trong tháng 11 cũng đã tăng cao vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế, cũng đã khiến kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024 giảm sút mạnh.
Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures cho rằng, sẽ còn xuất hiện một số sức ép giảm giá đối với vàng. Theo Phillip Streible, sau báo cáo việc làm hôm thứ Sáu, khó có khả năng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ thay đổi quan điểm diều hâu của mình, ngay cả khi ngân hàng trung ương này được dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất.
Không chỉ quan điểm diều hâu của ông Powell mới đe dọa thị trường vàng, tuần này, cùng với quyết định chính sách tiền tệ của mình, Fed sẽ công bố các dự báo kinh tế cập nhật, bao gồm cả dự báo lãi suất, hay còn được gọi là biểu đồ chấm (dot plot), thể hiện kỳ vọng của các thành viên trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) về mức lãi suất của Fed trong thời gian tới.
Trúc Chi (t/h)