Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, tích cực
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (Nghị quyết 19), Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế Thanh Hóa đã có sự chuyển biến rõ nét cả về quy mô và cơ cấu, từng bước vững chắc trở thành cực tăng trưởng mới, trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước.
Theo thông tin từ Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức tháng 10 vừa qua, trong 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Nghị quyết, quy mô nền kinh tế Thanh Hóa (GRDP) tăng gấp 1,4 lần so với năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, theo hướng bền vững. Cụ thể, tăng tỷ trọng các nhóm ngành lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, dịch vụ thương mại có giá trị gia tăng cao, và giảm tỷ trọng, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, tại thời điểm năm 2020, quy mô kinh tế Thanh Hóa ghi nhận mốc gần 200.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 17,65%, tăng 1,49% so với năm 2019; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 41%, tăng 4,29%; các ngành dịch vụ chiếm 34,26%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,09%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 50,2 triệu đồng, tương đương với 2.156 đô la Mỹ.
Tới năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 19, GRDP Thanh Hóa đạt 8,85%, quy mô kinh tế tăng lên mức 220.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rõ nét, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 16,07%, giảm 1,49%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 46,64%%, tăng 4,29%; các ngành dịch vụ chiếm 30,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,47%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 58,1 triệu đồng, tương đương với 2.471 đô la Mỹ.
Năm 2022, GRDP Thanh Hóa tiếp tục tăng nhanh 12,25%, quy mô kinh tế Thanh Hóa vọt lên mức 250.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục giảm còn 14,42%; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,41%, tăng 4,29%; các ngành dịch vụ chiếm 30,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,78%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 67,88 triệu đồng, tương đương với 2.924 đô la Mỹ.
Theo số liệu trong báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2023, GRDP địa phương này ước đạt 7,3%, quy mô nền kinh tế đạt 279.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 13,8%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 49,5%; các ngành dịch vụ chiếm 30,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,2%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.144 USD.
Như vậy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19, quy mô kinh tế Thanh Hóa đã tăng từ mốc hơn 200.000 tỷ đồng lên mức gần 280.000 tỷ, tăng khoảng 1,4 lần. Đáng chú ý, trong đó, cơ cấu kinh tế Thanh Hóa có sự chuyển biến rõ nét.
Cụ thể, hiện Thanh Hóa bắt đầu "gặt hái quả ngọt" khi nhiều dự án được đầu tư từ trước cùng nhiều dự án mới đã bắt đầu đi vào hoạt động, ổn định tạo nguồn thu, đóng góp lớn vào GRDP Thanh Hóa. Trong đó, tiêu biểu là các dự án FDI với vốn đầu tư lớn cùng với nhiều dự án công nghiệp, hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn trong nước đã giúp tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng xứ Thanh chuyển biến rõ rệt. Tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đã tăng 8,5 điểm phần trăm, từ 41% năm 2020 lên mức 49,5% năm 2023.
Trong những năm qua, ngành dịch vụ Thanh Hóa cũng như cả nước bị ảnh hưởng nghiệm trọng của dịch Covid-19, kèm theo biến động tiêu cực của tình hình địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, những năm qua Thanh Hóa vẫn chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ về dịch vụ du lịch với nhiều dự án lớn của Vin Group, Sun Group... giúp cơ cấu ngành này trong bức tranh kinh tế Thanh Hóa những năm qua không bị sụt giảm, duy trì ở mức trên 30%.
Trong khi đó, nông lâm nghiệp thủy sản đang được chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế Thanh Hóa. Trong thời gian nêu trên, lĩnh vực này giảm từ mức 17,65% về 13,8%, tương đương mức giảm 3,85 điểm phần trăm. Theo quy hoạch, vào năm 2030, lĩnh vực này được định hướng với mục tiêu chiếm tỷ trọng 5,1% trong cơ cấu kinh tế Thanh Hóa.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là tiền đề đưa Thanh Hóa phát triển bền vững
Trong tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Theo đó, về kinh tế Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,1% trở lên. Trong đó, chú trọng việc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mục tiêu, đến năm 2030, kinh tế Thanh Hóa có tỷ trọng cơ cấu các ngành là: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57%; dịch vụ chiếm 33,3%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.200 USD trở lên; năm 2030 đạt 7.850 USD trở lên.
Qua đó, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm lớn của cả nước về các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao... làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và có năng suất cao.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Thanh Hóa trọng tâm phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.
Một lĩnh vực khác được xem là thế mạnh của Thanh Hóa là du lịch, định hướng đến năm 2030, Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm lớn về du lịch của cả nước, với các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, từ đó khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.
Theo Hội nghị Sơ kết thực hiện Nghị quyết 19, cơ cấu kinh tế Thanh Hóa đang chuyển dịch đúng hướng, tích cực, điều này tạo tiền đề để Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2024-2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm tăng 12,96% trở lên, thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 10% trở lên. Trên cơ sở đó, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.