Lo ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu - TTTC). Theo báo Tin Tức, thuế TTTC là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 với sự tham gia của 141 nước.
Nghị quyết áp dụng thuế TTTC là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Nếu Việt Nam không áp dụng, những quốc gia nơi đặt trụ sở chính của các tập đoàn nước ngoài có quyền thu phần thuế chênh lệch.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết: Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế TTTC từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế TTTC (15%), trong đó có các nước có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...
Theo Tổng Cục thuế, sẽ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định này. Những doanh nghiệp tên tuổi như: Samsung, Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD) có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế TTTC.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT, cho rằng việc áp dụng thuế TTTC có thể mở ra khả năng tăng thu ngân sách trong trường hợp Nhà nước truy thu thuế từ các doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, và khả năng tăng thuế đối với các doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) để bảo đảm thuế áp dụng không thấp hơn mức tối thiểu 15%. Nhưng ở một khía cạnh khác, rủi ro có thể làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam trong hoạt động thu hút vốn FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam hiện là nước chủ yếu tiếp nhận vốn FDI từ các nước phát triển, hơn là việc nhà đầu tư Việt Nam đi đầu tư sang các quốc gia khác. Khi Việt Nam áp dụng chính sách thuế TTTC, các doanh nghiệp FDI lớn có thể phải cân nhắc lại khi đầu tư vào Việt Nam, do họ có khả năng bị truy thu thuế ở nước sở tại của họ hoặc do phía Việt Nam phải tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, để phát triển bền vững và tăng cường thu hút vốn FDI, Việt Nam cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng chiến lược thu hút vốn đầu tư.
Hơn nữa, luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam luôn nhất quán nguyên tắc bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư đã được cấp, hoặc đã cam kết với nhà đầu tư khi bắt đầu triển khai dự án tại Việt Nam. Do đó nếu không có các giải pháp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới thì sẽ xung đột với nguyên tắc bất hồi tố nêu trên. Qua đó, ảnh hưởng đến mức độ "thiện chí đồng hành" của Việt Nam với cộng đồng nhà đầu tư, dễ bị gắn với hình ảnh "đem con bỏ chợ".
Cần giải pháp để giữ chân nhà đầu tư lớn
Từ năm 2024, khi áp dụng thuế TTTC, khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi, nhưng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút FDI chất lượng cao.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất: “Để giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, Chính phủ cần chủ động đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bao gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp, các biện pháp phi thuế để xây dựng phương án thay thế sau khi thuế TTTC được áp dụng, có giải pháp ưu đãi đầu tư phù hợp, làm rõ chế độ ưu đãi thuế với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam”.
Chính phủ cần khẩn trương xây dựng hồ sơ Dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (CTXDLPL) năm 2024 để có thể áp dụng từ năm tài chính 2025, đảm bảo giữ được quyền đánh thuế đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu của Việt Nam theo quy định về thuế TTTC.
“Các biện pháp hỗ trợ đầu tư phải bảo đảm không vi phạm quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); đồng thời, phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tránh các hệ lụy cho ngân sách Nhà nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải cân nhắc và chuẩn bị rất kỹ để bảo đảm các yêu cầu đặt ra”, TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ với báo Tin Tức
“Không nên quá thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược bằng công cụ thuế. Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam có môi trường đầu tư tốt nhất, trong điều kiện tốt nhất, với thể chế chính trị ổn định, hệ sinh thái về nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng cơ sở hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí về logistics”, TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
"Trong Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thuế TTTC đã quy định trong thời gian chuyển tiếp, ít nhất là trong giai đoạn 3 năm đầu (từ 2024 đến 2026), việc thực hiện cơ bản dựa theo kê khai của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời gian chuyển tiếp này sẽ miễn việc xử phạt nếu doanh nghiệp vô ý mắc phải lỗi trong kê khai, không bị xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Thời gian tới, ngoài việc xây dựng Nghị định hướng dẫn rất chi tiết và cơ bản, Tổng cục Thuế cũng đã chuẩn bị xuất bản tài liệu gốc khoảng 60 trang về luật quy định về thuế TTTC của OECD", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Minh Hoa (t/h)