Như Thanh Niên đã đưa tin, chiều 8.12, HĐND TP.HCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông: Vành đai 2, đường Nguyễn Thị Định, cầu đường Nguyễn Khoái và đường Chu Văn An.
Ngoài ra, nhiều công trình giao thông trọng điểm như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4… đang gấp rút hoàn thiện thủ tục. Đặc biệt, tại từng quận huyện, những cây cầu dân sinh sau nhiều năm "đắp chiếu" và trở thành các điểm đen ùn tắc, cũng đang "chạy hết tốc lực" thi công về đích. Có thể nói, giai đoạn từ nay đến năm 2025, hạ tầng đô thị TP.HCM hứa hẹn bước chuyển mình mạnh mẽ khi những công trình trọng điểm, huyết mạch lần lượt khởi công, nên hình, nên dáng.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết 2023 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, cũng là năm khởi sự một loạt công trình trọng điểm theo nghị quyết mới; sẽ có những dự án được khai sinh theo cơ chế mới.
Huyết mạch mới, động lực mới
Đánh giá "tầm quan trọng không thể thay thế" của hệ thống hạ tầng giao thông trong mọi mô hình kinh tế, bạn đọc (BĐ) mtrang7773 cho rằng: "Giao thông là huyết mạch để liên thông, liên kết vùng miền. Vì vậy, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình xây dựng hạ tầng, các dự án... phải đảm bảo an toàn chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Đồng thời, đây phải là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là nỗ lực... của toàn bộ hệ thống chính trị".
Không chỉ kỳ vọng vào các công trình hạ tầng mới, BĐ Hoạch Nguyễn còn mong muốn TP.HCM cải thiện hệ thống giao thông hiện hữu: "Mở rộng các con hẻm nhỏ thành hẻm lớn sao cho xe chữa cháy có thể vào được tận nơi khi cần thiết".
Còn rất nhiều gửi gắm của BĐ về một mạng lưới hạ tầng giao thông đủ sức giúp TP.HCM "vận hành thông suốt dòng chảy kinh tế - xã hội". BĐ Khuong Nguyen lưu ý: "Việc mở rộng cầu, đường phát triển kinh tế - xã hội thì không cần phải bàn cãi. Nhưng cơ quan quản lý cũng cần sẵn sàng đẩy mạnh cưỡng chế để bàn giao mặt bằng. Vì nhiều nơi quy hoạch lộ giới đã có từ hơn 20 năm. Đâu có lý do gì để dùng dằng cưỡng chế?".
BĐ Tuấn An đề nghị: "Đã có động lực, cơ chế để phát triển hạ tầng giao thông, vậy nên tận dụng thời gian để xử lý đồng bộ luôn các dự án hạ tầng đang treo quy hoạch hoặc đang vướng mắc thủ tục".
Đừng tái diễn trễ tiến độ
Nhắc đến những công trình hạ tầng đang tăng tốc, BĐ Ngoc Minh Nguyen không quên điểm lại nhiều dự án đường giao thông "còn thi công giật cục, kéo dài": "Làm cầu, đường mới để phát triển giao thông là tốt. Nhưng làm nhanh, làm chất lượng, làm tới đâu xong tới đó. Chứ đừng như đường Võ Văn Ngân, đường Kha Vạn Cân đoạn qua chợ Thủ Đức mấy năm rồi vẫn chưa hoàn thành, khâu tái lập mặt đường lại ì ạch. Ai đi qua đoạn này sẽ rõ, mấy năm trời chỉ mỗi việc trải nhựa, tái lập mặt đường cho bằng phẳng cũng không làm được. Tôi rất bức xúc". Tán thành với ý kiến này, BĐ Việt Huỳnh nêu: "Người dân mong nhất là phải làm đúng tiến độ".
Phát biểu với Thanh Niên, ông Trần Quang Lâm nêu: "Các chuyên gia khẳng định kinh tế TP.HCM nghẽn vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, trong đó có giao thông. Vậy nên, khi giao thông đã được tháo gỡ thì chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư".
Đồng ý với nhận định trên, BĐ Thanh Nguyen lưu ý thêm: "Đầu tư mạnh để hạ tầng trọng điểm đi trước, khơi dòng cho đầu tư, kinh tế phát triển. Nhưng để có hiệu quả thực sự thì cần rất nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý".
Mong sao những cây cầu lớn, những công trình trọng điểm đang gấp rút chuẩn bị thủ tục khởi công sẽ về đích đúng kế hoạch; đừng giống như Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên kéo mãi hơn 10 năm giờ mới "sắp vận hành thương mại".
Thanh Nguyên
Trong khi dân chúng chờ mong từng ngày mà công trình không đúng hẹn thì vì nguyên nhân gì cũng khó chấp nhận.
hung vo thiet
Đừng để căn bệnh rút kinh nghiệm nối dài. Đừng vì chỉ tiêu mà khởi công xong để đó, chậm tiến độ.
tran dinh van