Hãng tin CNN cho hay doanh số iPhone không còn tăng trưởng nóng như trước đây và rõ ràng CEO Tim Cook của Apple đang phải tìm kiếm một sản phẩm thay thế nếu không muốn lâm vào vết xe đổ của Nokia.
Thế nhưng nhiều chuyên gia lại khá lo lắng khi có vẻ vị CEO này lại đang đặt cược vào kính thực tế ảo, một sản phẩm chưa hoàn thiện, quá đắt đỏ cho một thị trường không chắc chắn.
Cầm 3 nghìn tỷ USD cũng không hết lo
Vào tháng 6/2023, CEO Tim Cook đã tự hào giới thiệu dòng kính thực tế ảo Vision Pro của nhà Apple.
Tuy nhiên những người tham gia buổi lễ hôm đó hầu như chẳng động tay được vào sản phẩm này. Chỉ một số nhà báo là có cơ hội dùng thử chúng, qua đó cho thấy sản phẩm vẫn cần hoàn thiện rất nhiều trước khi làm hài lòng được người tiêu dùng.
Theo CNN, nước đi đặt cược toàn bộ danh tiếng của mình vào kính thực tế ảo của CEO Tim Cook là quá mạo hiểm. Đây là sản phẩm phần cứng (Hardware) đầu tiên của Tim Cook kể từ khi gia nhập Apple và là thiết bị thứ 3 kể từ khi ông lên làm CEO.
Sản phẩm này chưa được hoàn thiện khi vẫn cần cải tiến để nhẹ hơn và thoải mái hơn cho người dùng. Ngoài ra, mức giá 3.499 USD/chiếc vẫn còn quá đắt đỏ để nhà táo khuyết có thể thuyết phục đa số người dùng mua chúng.
Tồi tệ hơn, Vision Pro được ra mắt trong bối cảnh thị trường vũ trụ ảo đang khá ảm đạm. Sau quãng thời gian được Mark Zuckerberg và Meta (Facebook) quảng bá rầm rộ thì hiện nay chưa có ứng dụng, dịch vụ hay bất kỳ sản phẩm nào của mảng này tạo được tiếng vang lớn hay thu hút người dùng.
Chính bản thân Mark Zuckerberg cũng đã phải chuyển hướng từ vũ trụ ảo sang trí thông minh nhân tạo (AI).
Bởi vậy, dù nhìn hào nhoáng nhưng Vision Pro không có nhiều ứng dụng hay dịch vụ đi kèm có thể sử dụng do thiếu các nhà phát triển cũng như lượng người tương tác có giới hạn. Điều này khiến việc đeo một chiếc kính thực tế ảo với cục pin to ngang một chiếc iPhone sau gáy trở nên kém hấp dẫn hơn.
"Đặt cược về việc kính thực tế ảo sẽ trở thành một sản phẩm cách mạng tương tự iPhone là điều cực kỳ rủi ro", nhà sáng lập Jeremy Bailenson của Phòng nghiên cứu thực tế ảo VHIL nói thẳng.
Hãng tin CNN cho hay Apple đang có tổng giá trị vốn hóa khoảng 3 nghìn tỷ USD và hàng trăm tỷ USD tiền mặt trong tay. Tuy nhiên dù nguồn lực dồi dào là vậy nhưng Tim Cook vẫn không hết lo lắng do các tập đoàn công nghệ thường không ở đỉnh cao quá lâu trước đà phát triển của kỹ thuật.
Hàng loạt những cái tên như HP, IBM, Cisco, Nokia...đã là minh chứng cho Apple về việc nếu không giữ được đà tăng trưởng và ngôi vương của mình thì kết cục sẽ ra sao.
Đây là lý do mà Tim Cook tìm mọi cách để tạo nên sản phẩm có thể thay thế được iPhone và vị CEO này đang đặt cược vào kính thực tế ảo.
Cái bóng của Steve Jobs
Nếu CEO Tim Cook nghỉ hưu ngay bây giờ thì ông sẽ ra đi ngẩng cao đầu như là một trong những bị giám đốc thành công nhất thập kỷ.
Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, tổng mức vốn hóa của Apple đã tăng 700%, mảng kinh doanh iPhone vẫn khá mạnh trong khi mảng dịch vụ như âm nhạc, tivi, trò chơi điện tử cũng phát triển không kém. Thế rồi thành công với Apple Watch và AirPods cũng có công sức lớn nhờ Tim Cook.
Mặc dù vậy theo CNN, Tim Cook là một chuyên gia quản lý vận hành hơn là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn thực thụ được như Steve Jobs. Trong suốt 12 năm làm việc dưới quyền nhà sáng lập Steve Jobs, bản thân Tim Cook chưa một lần nào đứng ra đặt cược sự nghiệp cho một sản phẩm có thể mang tính đột phá.
Thậm chí Apple Watch hay AirPods dù thành công cũng không thể vượt qua được cái bóng iPhone, nếu không muốn nói là phụ thuộc vào sản phẩm này để có lý do tồn tại.
Vậy nhưng giờ đây, Tim Cook lại đang phải làm điều mà Steve Jobs đã từng làm thường xuyên trước đây: Nghĩ ra một thứ gì đó mới mẻ đột phá và thuyết phục mọi người tin tưởng sử dụng.
Nhà sáng lập Steve Jobs cực kỳ nổi tiếng với những sản phẩm cách mạng táo bạo của mình, ví dụ như thay đổi diện mạo máy tính iMacs năm 1999, cho ra đời iPod hay iPhone.
"Suốt thời gian đó, Tim Cook (gia nhập Apple năm 1998) chỉ là cánh tay phải nghe lệnh từ Steve Jobs để thực hiện những tầm nhìn này", Chủ tịch Tim Bajarin của hãng nghiên cứu Creative Strategies nhận định.
Trong những năm gần đây, Apple đã áp dụng chiến lược chậm nhưng chắc, không đi đầu nhưng là tốt nhất, giành thời gian phát triển công nghệ mới trước khi tung ra thị trường.
Năm 2017, Apple đã cho ra mắt nền tảng ARKit giúp các nhà phát triển xây dựng mô hình thực tế ảo vào ứng dụng. Đây là bước tiền đề để nhà táo khuyết ra mắt Vision Pro sau này, điều mà cả iPod lẫn iPhone đều không có được khi không hề có App Store hay iTunes Store tiền trạm lúc ra mắt.
"Apple ra mắt Vision Pro trong tâm thế đã có hàng trăm nghìn nhà phát triển sẵn cho mảng này", Chủ tịch Bajarin nói.
Tuy nhiên theo giám đốc Eric Abbruzzese của ABI Research, thành công và nhu cầu thị trường của kính thực tế ảo là quá hạn chế.
Ngay cả những đối thủ đi trước như Quest 2 của Meta cũng chỉ xuất xưởng được 20 triệu chiếc cho đến hiện tại.
Để so sánh, bình quân mỗi quý Apple xuất xưởng đến 10-15 triệu iPad và con số là tương đương với Apple Watch.
Rất rõ ràng, Vision Pro được kỳ vọng là một "iPhone" tiếp theo của Apple với các khâu tiền trạm, nhưng thành quả đạt được lại quá hạn chế, qua đó ảnh hưởng ngược lại danh tiếng của chính Tim Cook.
*Nguồn: CNN