Con sóng dữ nghìn năm có một
Vào tháng 11 năm 2020, một làn sóng kỳ dị bất ngờ ập đến, nâng một chiếc phao đơn độc ngoài khơi bờ biển Ucluelet, British Columbia, Canada (dọc theo Thái Bình Dương) lên cao 17,6 mét.
Hai năm sau, vào tháng 2/2022, các nhà khoa học xác định "bức tường nước" khổng lồ, cao bằng tòa nhà 4 tầng này là cơn sóng độc (sóng dữ dội) nhất được ghi nhận vào thời điểm đó.
Một sự kiện đặc biệt như vậy được cho là chỉ xảy ra 1.300 năm một lần. Nếu không có chiếc phao, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều gì đã xảy ra ngoài khơi Thái Bình Dương.
Trong nhiều thế kỷ, những cơn sóng dữ dội (Rogues wave, còn được gọi là sóng bão cực độ - theo NOAA) tương tự được coi là chuyện dân gian về hàng hải. Mãi đến năm 1995, huyền thoại đó mới trở thành sự thật. Vào ngày đầu tiên của năm mới - 1/1/1995, một cơn sóng cao gần 26 mét bất ngờ ập vào giàn khoan dầu Draupner cách bờ biển Na Uy khoảng 160 km.
Vào thời điểm đó, sóng Draupner đã thách thức tất cả các mô hình trước đó mà các nhà khoa học đã tập hợp lại. Kể từ đó, hàng chục con sóng độc khác đã được ghi lại (một số thậm chí diễn ra ở các hồ).
Các nhà khoa học định nghĩa sóng độc là bất kỳ sóng nào cao hơn gấp đôi chiều cao của sóng xung quanh nó. Chúng thường xuyên xuất hiện ở vùng biển rộng mà không có cảnh báo hoặc nguyên nhân rõ ràng, Smithsonian Magazine thông tin.
Ví dụ, làn sóng Draupner cao 25,6 mét, trong khi làn sóng lân cận chỉ cao 12 mét. Để so sánh, sóng Ucluelet ở Đảo Vancouver (British Columbia) có kích thước gần gấp 3 lần các làn sóng ngang hàng của nó.
Sóng Ucluelet đã phá kỷ lục 1.300 năm có một lần vì nó cao gấp ba lần các sóng xung quanh/lân cận, trong khi sóng Draupner và nhiều sóng độc khác chỉ cao hơn gấp đôi so với sóng xung quanh.
Nhà vật lý Johannes Gemmrich từ Đại học Victoria, Australia giải thích: "Theo tỷ lệ, sóng Ucluelet là làn sóng dữ dội nhất từng được ghi nhận (dù nó không cao bằng sóng Draupner). Chỉ có một số đợt sóng dữ dội ở các vùng biển khơi được quan sát trực tiếp và không có đợt sóng nào có cường độ lớn như vậy. Sự kiện như vậy chỉ xảy ra một lần trong 1.300 năm".
Nguyên nhân hình thành sóng độc?
Ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem sóng độc được hình thành như thế nào để chúng ta có thể dự đoán tốt hơn khi nào chúng sẽ xuất hiện. Điều này bao gồm việc đo các sóng giả trong thời gian thực và cũng chạy các mô hình theo cách chúng bị gió cuốn đi.
Chiếc phao từng đụng độ sóng Ucluelet được viện nghiên cứu có tên MarineLabs đặt ngoài khơi cùng với hàng chục chiếc khác trong nỗ lực tìm hiểu thêm về các mối nguy hiểm ở vùng sâu. MarineLabs tiếp tục tăng số lượng phao để tìm hiểu những chuyện kỳ dị xảy ra ngoài đại dương.
Ngay cả khi những cơn sóng bất thường xảy ra ở xa bờ, chúng vẫn có thể phá hủy các hoạt động trên biển, trang trại gió hoặc giàn khoan dầu. Nếu chúng đủ lớn, chúng thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những người đi biển.
May mắn thay, cả Ucluelet và Draupner đều không gây ra thiệt hại nghiêm trọng hay cướp đi sinh mạng nào, nhưng những làn sóng dữ khác thì có.
Ví dụ, một số con tàu bị mất tích vào những năm 1970, hiện được cho là đã bị đánh chìm do những đợt sóng ập đến bất ngờ.
Tương tự, năm 1997, một cơn sóng dữ đã lật đổ một con tàu chở hàng, ném khoảng 5 triệu Lego xuống biển và trôi dạt vào bờ kể từ đó.
Trong bài báo đăng tháng 6/2023, Quanta Magazine đã gọi những con sóng độc này là "sóng quái vật" của đại dương và gọi sự kiện này là một trong những câu hỏi chưa có lời giải lớn nhất trong toán học và khoa học ngày nay.
Theo các nhà khoa học, bởi vì sóng độc rất hiếm nên các nhà nghiên cứu vẫn không biết tại sao hoặc làm thế nào chúng hình thành nhưng nghi ngờ chúng phát sinh khi sóng biển, gió và dòng hải lưu va chạm và củng cố lẫn nhau để tạo ra những bức tường nước khổng lồ.
Thật không may, một nghiên cứu năm 2020 đã dự đoán chiều cao sóng ở Bắc Thái Bình Dương sẽ tăng lên do biến đổi khí hậu, điều này cho thấy sóng Ucluelet có thể không giữ được kỷ lục lâu như những dự đoán hiện tại của các nhà khoa học.
Scott Beatty, Giám đốc điều hành của MarineLabs cho biết: "Chúng tôi đang hướng tới cải thiện sự an toàn và ra quyết định cho các hoạt động hàng hải và cộng đồng ven biển thông qua việc đo lường rộng rãi các đường bờ biển của thế giới".
Quanta Magazine cho biết, các nhà khoa học như Tiến sĩ Ton van den Bremer đang cố gắng tìm hiểu những bí ẩn liên quan đến sóng dữ. Ông đã sử dụng bể sóng và mô hình hóa để nghiên cứu các sóng dữ tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan.
Hy vọng trong thời gian sớm nhất, người ta có thể giải đáp những bí ẩn xoay quanh "sóng quái vật" này.
Nguồn: Quanta Magazine, Smithsonian Magazine