Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UpCOM: VGT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 45%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp tăng 56% đạt 600 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 11,42% lên 12,25%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 128% lên 83 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 11% lên 82 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý lần lượt tăng 41% và 38%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỷ đồng, tăng 74% so với quý I/2021, bằng 39,6% kế hoạch năm. Trong đó, ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của cả Tập đoàn đạt 329 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ thu về gần 200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2021.
Theo thống kê, doanh thu trung bình của các đơn vị trong hệ thống ngành may của Vinatex tại khu vực phía Nam đều tăng trung bình 1,2 – 1,5 lần, đặc biệt có đơn vị tăng tới 2 lần doanh thu so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu quý I của Tổng Công ty Việt Tiến tăng 10%, Nhà Bè tăng 20%, May Đồng Nai doanh thu tăng 100%, Tổng Công ty miền Nam doanh thu tăng 100%, lao động tăng hơn 400 người; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vinatex doanh thu tăng 70% so với quý I/2021…
Vinatex lý giải, tận dụng được các lợi thế của thị trường từ cuối năm trước, các đơn vị sợi trong Tập đoàn đã có được đơn hàng với giá bán tốt. Đồng thời, dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị đã đưa ra những quyết sách phù hợp, dự trữ được lượng bông lớn giá thành rẻ, từ đó thu được kết quả tích cực.
Ngoài ra, đầu năm, các đơn vị may trong tập đoàn cũng mang lại những kết quả rất tích cực khi dịch bệnh được kiểm soát, các đơn vị may đã ổn định lao động, ổn định sản xuất với đơn hàng gia tăng.
Tại thời điểm 31/3/2022, Vinatex ghi nhận hàng tồn kho đạt 2.981 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm do hàng mua đang đi đường giảm trong khi nguyên vật liệu và thành phẩm tăng. Ngược lại, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng thêm 187 tỷ đồng lên 2.438 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn tăng 148 tỷ đồng lên 3.235 tỷ đồng.
Năm nay, Vinatex lên kế hoạch doanh thu tăng 6% đạt 18.067 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 34,7% xuống 951 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết hiện nay hầu hết các quốc gia đều mở cửa trở lại bất chấp dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn (trừ Trung Quốc) giúp chuỗi sản xuất và thương mại dệt may gần như trở lại trạng thái bình thường trước dịch với các đơn hàng sản xuất dài hạn hơn.
Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục có cơ hội mở rộng thị trường với các FTA trong đó RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1. Ngành dệt may Trung Quốc đang hướng đến sản xuất bền vững, phát triển chiều sâu hơn là mở rộng sản xuất.
Vì vậy, nước này sẽ dịch chuyển sản xuất hoặc tăng cường nhập khẩu nguồn nguyên liệu thô như sợi và giảm sản xuất các mặt hàng dệt may ít giá trị gia tăng tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam. Đồng thời, dệt may Việt Nam vẫn có cơ hội trở thành điểm cung ứng dệt may thay thế khi người mua dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc do xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Du vậy, giá dầu, lạm phát cao, nguyên liệu đầu vào và các chi phí đầu vào khác ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất của chuỗi dệt may. Trong khi đó, hạ nguồn dệt may đang kháng cự mạnh mẽ với việc tăng giá bằng cách giảm cầu. Những vấn đề về tắc nghẽn logistics vẫn hiện hữu.
Với kế hoạch này, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, quý II và những tháng cuối năm, thị trường còn nhiều diễn biến khó lường nếu xung đột Nga – Ukaine còn căng thẳng, lạm phát, cùng chi phí logistics còn leo thang... Ông cho rằng, công tác dự báo, theo dõi sát thị trường sẽ được tập đoàn này sát sao hơn để có kịch bản, điều chỉnh linh hoạt sản xuất kinh doanh.