Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề: “Trách nhiệm của chúng ta – Hành động của chúng ta” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ, vấn đề đầu tiên khi đầu tư cho phát triển bền vững chính là tài chính.
“20 năm về trước, những hành động mà Vinamilk làm tại thời điểm đó chỉ mang tính chất tuân thủ về mặt pháp luật, ví dụ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xây dựng hệ thống khử mùi. Tại thời điểm đó, Vinamilk chưa nghĩ những hoạt động đó là ESG, nhưng để làm được những việc như vậy, chúng tôi vẫn cần đầu tư một khoản kinh phí rất lớn”, ông Liêm chia sẻ.
Những năm gần đây, với sự chung tay và định hướng của Chính phủ, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và tất cả các người dân cũng như các đối tác, vấn đề ESG đã trở nên phổ biến hơn. Theo đó, các doanh nghiệp cũng dần dành một khoản kinh phí lớn để đầu tư cho phát triển bền vững và mục tiêu đạt Net Zero.
“Ban lãnh đạo Vinamilk xác định phát triển bền vững hay hướng đến Net Zero là con đường dài, phải có lộ trình cụ thể. Một khi có lộ trình cụ thể, chúng ta mới xây dựng được nguồn lực và phân bổ nguồn kinh phí hợp lý cho việc đầu tư. Chắc chắn những năm đầu tiên thay đổi thì sẽ tốn nhiều kinh phí hơn. Hiện nay, Vinamilk đã xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái tại trang trại và nhà máy sản xuất, chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Hệ thống xe tải và xe nâng cũng được thay thế dần sang xe điện, hoạt động này cũng ngốn khá nhiều chi phí đầu tư.
“Tuy nhiên, một điều may mắn là các khoản đầu tư này vẫn trong tầm kiểm soát của Vinamilk. Vấn đề không phải tốn kinh phí của 1 năm, 2 năm mà đó là định hướng, trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp. Nếu không đầu tư bây giờ thì có thể 5-7 năm sau khi nói đến Vinamilk sẽ là hình ảnh rất khác”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk |
Chia sẻ thêm kinh nghiệm thực thi chiến lược phát triển bền vững, lãnh đạo Vinamilk cho biết, Công ty có 2 mảng chăn nuôi và sản xuất - kinh doanh, có đặc thù khác nhau.
“Mảng chăn nuôi, Vinamilk có hệ thống hơn 14 trang trại trải khắp cả nước, đàn bò mà chúng tôi nuôi tạo ra lượng phân thải lớn nên phải có kế hoạch xử lý. Theo đó, toàn bộ hệ thống nước thải và phân thải được dùng hệ thống tuần hoàn biogas để tạo ra năng lượng, kết hợp cùng với hệ thống điện mặt trời. Các trang trại dành diện tích khá lớn, ví dụ trang trại tại Tây Ninh rộng 680 ha, thì 500 ha là diện tích để trồng cây xanh và thức ăn cho bò. Trồng cây cỏ chính là hoạt động giúp trung hoà carbon của hoạt động chăn nuôi”, ông Liêm chia sẻ.
Với hệ thống sản xuất, câu chuyện bao bì là vấn đề được quan tâm. Các sản phẩm của Vinamilk đa dạng chủng loại, có sử dụng bao bì nhựa, giấy, thiếc… Với tất cả các loại bao bì như vậy, Công ty chủ động trao đổi với hệ thống các nhà cung cấp để sử dụng bao bì thân thiện, có thể tái chế. Việc chuyển đổi không thể nhanh chóng hoàn thành 100% nhưng Công ty đã xây dựng kế hoạch 5 năm thực hiện.
“Một khó khăn nữa là đo lường các chỉ tiêu để thống kê, đánh giá, báo cáo…, từ đó thấy được kết quả đầu tư như thế nào, cũng như đảm bảo tính minh bạch, khách quan… Chúng tôi đang làm việc với 1 tổ chức quốc tế cung cấp hệ thống phần mềm kết nối trực tiếp để có thể đo lường và thống kê…, từ đó có báo cáo phục vụ cho công tác cải tiến. Chúng tôi đang từng bước đồng hành với các đối tác để khắc phục tình trạng thiếu các số liệu và báo cáo", ông Liêm chia sẻ.