Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất kể từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Ba Lan với Ukraine cũng gặp không ít sóng gió. Cựu thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thậm chí từng nói với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng vị này đừng "xúc phạm" người Ba Lan thêm lần nào nữa.
Gió xoay chiều cho quan hệ Ba Lan - Ukraine?
Hôm 11-12, ông Donald Tusk được Quốc hội Ba Lan tín nhiệm bầu làm tân thủ tướng, thay thế ông Morawiecki.
Ông Tusk thực chất không phải ai xa lạ, mà chính là cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu. Việc một nhân vật thân Liên minh châu Âu (EU) làm thủ tướng Ba Lan mang tới tín hiệu lạc quan cho mối quan hệ giữa nước này với Ukraine cũng như EU.
Phát biểu hôm 12-12, ông Tusk cam kết chính phủ mới sẽ cố gắng chấm dứt nhanh chóng các cuộc biểu tình của tài xế xe tải tại biên giới Ukraine.
Ông cũng khẳng định Ba Lan sẽ yêu cầu huy động toàn bộ nguồn lực của phương Tây nhằm giúp đỡ Ukraine.
Phát biểu của ông Tusk được đưa ra trước khi ông trải qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 12-12. Sự ủng hộ của ông có ý nghĩa lớn với Ukraine giữa lúc Kiev chật vật kêu gọi giúp đỡ từ phương Tây, đặc biệt Mỹ.
Trong cùng ngày, Tổng thống Ukraine Zelensky dự kiến cũng có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vấn đề viện trợ Ukraine sẽ là một trong những nội dung thảo luận chính.
Viện trợ vũ khí từ phương Tây được xem có vai trò sống còn với Ukraine, khi nước này hứng chịu các cuộc tấn công mùa đông của Nga.
Hôm 12-12, không quân Ukraine khẳng định đã phá hủy 9 trên 15 chiếc máy bay không người lái (drone) và 2 tên lửa dẫn đường của Nga.
Phía Ukraine nói máy bay Nga bị phá hủy nêu trên là loại drone Shahed do Iran sản xuất, trong khi vụ bắn hạ hai tên lửa Nga xảy ra ở Zaporizhzhia và Dnipropetrovsk.
Ba Lan muốn "vĩ đại lần nữa" ở châu Âu
Phát biểu trước Quốc hội, ông Tusk nhấn mạnh Ba Lan sẽ là một đồng minh trung thành với Mỹ, và sẽ lấy lại vị thế một lãnh đạo của EU.
Tuy nhiên, vị thủ tướng mới được bổ nhiệm cũng khẳng định sẽ phản đối bất kỳ thay đổi nào trong EU làm tổn hại tới Ba Lan.
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi các hiệp ước đi ngược lại với lợi ích của chúng tôi thì miễn bàn… sẽ không ai lấn át tôi ở EU", ông Tusk nói.
Vị này cũng tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề ngân quỹ của EU dành cho Ba Lan, vốn đã bị "đóng băng" do tranh cãi giữa hai bên về pháp quyền.
Những phát biểu của ông Tusk phản ánh khó khăn mà ông phải đối mặt trên cương vị mới. Trước đây, khi là "sếp lớn" của EU, ông phải nghĩ cho liên minh này. Nhưng ở vị trí một lãnh đạo quốc gia thành viên, ông buộc phải gánh những áp lực lợi ích quốc gia.
Trên thực tế, Ba Lan cũng là nước có làn sóng đòi tẩy chay và rời khỏi EU. Trong câu chuyện ủng hộ Ukraine, nhiều luồng ý kiến cũng bảo vệ quyết định cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine.
Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói với cánh phóng viên hôm 11-12 rằng tương lai của cả Ukraine và EU sẽ tàn khốc nếu EU không cho Ukraine gia nhập liên minh này.