Văn hóa truyền thống độc đáo
Từ ngàn xưa, người M’nông có rất nhiều nghi lễ và lễ hội gắn với những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc được lưu truyền qua bao thế hệ, ngoài ý nghĩa cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu, các nghi lễ, lễ hội còn có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố khối đại đoàn kết trong cộng động, giữa các thôn sóc và giữa người M’nông với các dân tộc khác.
Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông hay còn gọi là lễ hội Kết nghĩa cộng đồng (theo tiếng M’nông thường gọi là: "Tâm Mít Yiêng", "Maih Gung Sâu Gieng Dey", "Tâm Rơm Bon"). Đối với người M’nông, Kết bạn cộng đồng là một trong những lễ hội độc đáo, thường được tổ chức khi cộng đồng ở thôn, sóc này muốn kết nghĩa với thôn, sóc kia thông qua già làng, những người có uy tín trong cộng đồng.
Trước đây, lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông thường diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên, khi khách đến, chủ nhà sẽ sắp xếp đội cồng chiêng diễn tấu để đón và dẫn khách đến nơi bố trí để giới thiệu các lễ vật, vật phẩm được sử dụng trong lễ hội. Đến tối, chủ nhà sẽ làm cơm để mời khách. Đồng thời sẽ diễn ra các hoạt động như múa, hát giao duyên, đánh cồng chiêng.
Sáng hôm sau, chủ nhà và khách sẽ cử hai người đại diện (già làng) tiến hành các nghi lễ cúng thần linh, đâm trâu… với ý nghĩa cầu mong sự đoàn kết, gắn bó ngày càng bền chặt. Khi các nghi thức, nghi lễ kết thúc thì hoạt động vui hội với các trò chơi truyền thống như kéo co, bắn ná, đi cà kheo, giã gạo... được tổ chức với hoạt động uống rượu cần, liên hoan ẩm thực.
Sau khi kết thúc lễ hội, hai già làng cùng nhau tiến hành nghi thức đốn ngã cây nêu. Chủ nhà sẽ bố trí người mời rượu để tiễn khách ra về và hứa hẹn cho lần lễ hội kế tiếp.
Giữ gìn giá trị tốt đẹp
Ngày nay, lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông ở Bình Phước được thực hiện trong 1 ngày. Vào ngày tổ chức lễ hội, chủ lễ thức dậy từ sớm để tiến hành dựng cây nêu, các thành viên được phân công sửa soạn, chuẩn bị cho ngày hội vui của thôn, sóc.
Lễ hội thường được tổ chức vào thời điểm nông nhàn, tùy theo điều kiện của dân làng hai bên, lễ vật phải được tính toán và chuẩn bị chu đáo theo sự phân công của chủ lễ, đảm bảo lễ hội được diễn ra suôn sẻ.
Vào ngày diễn ra lễ hội, ban tế lễ phía Chủ lễ đã thức dậy từ sớm để tiến hành làm lễ dựng nêu; các thành viên được phân công tất bật sửa soạn, chuẩn bị cho ngày hội vui của buôn sóc. Già trẻ, nam thanh, nữ tú tham gia lễ hội đều mặc những bộ đồ truyền thống, đeo trang sức trong niềm hân hoan, cùng quây quần về khu tổ chức lễ hội, tiếng cồng, tiếng chiêng, nhạc hội vang lên báo hiệu lễ hội sắp bắt đầu.
Sau khi lễ vật được bày biện hoàn chỉnh, già làng phía chủ lễ và đại diện khách hát đối đáp hỏi thăm, mừng hội. Khi hát đối đáp kết thúc, già làng tiến về phía cây nêu và khấn xin thần linh chứng giám cho buổi lễ của hai cộng đồng. Sau lời khấn, già làng mời chủ lễ phía khách tiến về cây nêu thực hiện nghi thức uống rượu cần biểu trưng cho mối kết giao nghĩa tình thủy chung giữa hai thôn, sóc.
Sau đó, già làng hai bên ngồi quây quần, chỉ dạy những kinh nghiệm trong đời sống, lao động, sản xuất, trao truyền vốn văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong tiếng cồng chiêng mọi người cùng nhau múa hát, thưởng thức các món ăn truyền thống. Sau khi nghi thức kết thúc thì phần hội cũng bắt đầu với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, giã gạo…
Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông ở Bình Phước dù trước kia hay bây giờ, không chỉ dừng lại ở hoạt động thờ cúng tín ngưỡng dân gian và gắn kết cộng đồng mà còn là nơi để giao lưu, thể hiện sự đoàn kết cũng như gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thể hiện ý nguyện cùng nhau thắt chặt mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, đất nước.