Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư ngày 12/12, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án trên các lĩnh vực công nghiệp, logistics, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin... Đồng thời, 10 biên bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư với tổng vốn hơn 221.000 tỷ đồng được ký kết.
Trong số này, có biên bản ghi nhớ trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch với tổng mức đầu tư 6,2 tỷ USD; điện gió - điện mặt trời - đô thị 30.000 tỷ đồng; hạ tầng công nghiệp 19.000 tỷ đồng; chuyển đổi số, giáo dục và đô thị khoảng 10.000 tỷ đồng; nông nghiệp - đô thị - du lịch 10.000 tỷ đồng...
Cũng trong ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng duyệt ngày 8/12.
Theo đó, đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại. các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy... Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu...
Chia sẻ tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận tỉnh Hậu Giang có thay đổi lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế xếp thứ hai cả nước (sau tỉnh Bắc Giang). GRDP năm 2023 đạt 12,27%, tăng 2 bậc so với năm trước, tiếp tục dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Phó thủ tướng, chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như bây giờ khi địa phương sẽ là nơi giao thoa của 3 dự án cao tốc lớn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Địa phương có đội ngũ cán bộ có khả năng tiếp nối truyền thống, có năng lực đổi mới cách nghĩ, cách làm để tạo sự đột phá.
Hậu Giang rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người, xếp thứ 54 cả nước. Tỉnh này được thành lập năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Đây là một trong những trung tâm lúa gạo ở miền Tây và đang trở thành địa phương thu hút đầu tư phát triển công nghiệp mạnh trong vùng. Đến nay, Hậu Giang đã thu hút 348 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 170.000 tỷ đồng; 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 630 triệu USD.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Hậu Giang đặt mục tiêu có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người 77-80 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% mỗi năm; chỉ số cải cách hành chính nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu.
An Bình