Số liệu gần đây của KPMG cho thấy, bất động sản đứng thứ nhì về quy mô các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), chiếm 23% trong 4,4 tỷ USD giao dịch toàn thị trường Việt Nam. Sân chơi M&A được nhận định đã có sự sôi động trở lại, tuy nhiên phần lớn lại đang thuộc về các doanh nghiệp ngoại. Trong đó, dẫn đầu là các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Chỉ sau 3 tháng, một doanh nghiệp bất động sản đến từ Malaysia đã hoàn tất xong thương vụ mua lại dự án của một doanh nghiệp trong nước, giá chốt deal hơn 7.300 tỷ đồng. Có thể nói đây là khoảng thời gian chốt deal khá nhanh trong thị trường bất động sản, bởi thời gian qua thị trường M&A chứng kiến sự ít cạnh tranh hơn khi các doanh nghiệp nội ít tham gia vào hoạt động M&A.
Đại diện chủ đầu tư đến từ Malaysia cho biết, trước đây các doanh nghiệp nội chốt deal rất nhanh, thông thường khoảng 1 tháng, nên họ thường bị mất cơ hội. Dù vậy, hiện họ lại đang phải đối mặt với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác vào Việt Nam để M&A.
"Tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều sự cạnh tranh, vì nguồn cung dự án hiện không nhiều, nhưng lợi thế là chúng tôi đã ở Việt Nam khá lâu và đã bắt đầu tìm kiếm dự án để mở rộng đầu tư từ năm 2020. Kinh nghiệm cho thấy, khi bước vào cuộc thương thuyết, không nên cứng nhắc mà cần phải sáng tạo, linh hoạt và phải cùng hướng đến phương án "win-win", đôi bên cùng có lợi thì thương vụ dễ thành công hơn", ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Vietnam, cho biết.
Bất động sản đứng thứ nhì về quy mô các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), chiếm 23% trong 4,4 tỷ USD giao dịch toàn thị trường Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Số liệu từ Cushman&Wakefield cho thấy, các nhà đầu tư ngoại chiếm đến 90% số lượng giao dịch M&A. Điều này là do doanh nghiệp nội hiện vẫn đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như: tình hình chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa tiếp cận được dòng vốn.
"Lúc này chính là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài có sẵn nguồn tiền và họ chờ đợi để có thể bắt đầu thu gom, mua hoặc đầu tư vào các dự án họ đang cần nguồn vốn", bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhìn nhận.
Dù danh mục các tài sản đang thoái vốn, cần chuyển nhượng lớn, nhưng để khối ngoại có thể xuống tiền lại không nhiều. Nguyên nhân hầu hết đến từ việc hoàn thiện pháp lý dự án.
Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, thị trường M&A dự báo vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn cho đến khi có sự thay đổi rõ ràng trong giải quyết các vấn đề như tiền sử dụng đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Đây cũng là một trong những thách thức chính trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Quá trình xin cấp phát và bắt đầu sản xuất này có thể là một bất lợi mà Việt Nam đang gặp phải hiện tại. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ưu điểm đang đến và đang thay đổi như thủ tục hải quan và những thay đổi về chính sách. Việt Nam đang cố gắng khiến quy trình trở nên hiệu quả hơn, nhưng tôi cho rằng so với những quốc gia xung quanh, chúng ta vẫn cần phải nỗ lực thay đổi nhiều hơn nữa", ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nhận định.
Về lâu dài, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn được xem là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam vẫn là thị trường được các nhà đầu tư ngoại hướng đến, với khẩu vị chính là các loại tài sản phục vụ chính cho nhu cầu an cư, lạc nghiệp.
VTV.vn - Cơ cấu lại sản phẩm, giá thành là một trong nhiều giải pháp đang được các doanh nghiệp bất động sản tập trung triển khai trong quá trình tái cấu trúc thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.33742835121213202-iaogn-peihgn-hnaod-auc-iohc-nas-nas-gnod-tab-am/et-hnik/nv.vtv