Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết thương mại toàn cầu trong năm nay ước tính sụt giảm 5% so với năm ngoái, đồng thời dự báo triển vọng ảm đạm vào năm 2024 sắp tới.
Trong báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu, UNCTAD ước tính, kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2022. UNCTAD nhận định, thương mại toàn cầu sụt giảm một phần là do xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, một phần khác chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm ở các nước phát triển cũng như do giá cả hàng hóa giảm.
UNCTAD dự báo, mặc dù một vài chỉ số kinh tế cho thấy những tín hiệu cải thiện tiềm tàng, nhưng triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn "rất bấp bênh".
Rủi ro đối với kinh tế thế giới năm 2024
Không chỉ thương mại, mà tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới đều ghi nhận những sự sụt giảm trong năm qua do những cơn gió ngược. Khi mà chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là năm 2023 sẽ kết thúc, nhiều nhà kinh tế và chuyên gia đã đưa ra dự báo về những rủi ro mà kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt trong năm 2024. Cùng điểm qua những nguy cơ đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.
Lãi suất cao kéo dài
Rủi ro đầu tiên là lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng sau cuộc đua tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn nhất sẽ tiến tới giảm tốc chu trình thắt chặt tiền tệ trong năm tới. Dù lạm phát đã xuống thang trong quý 4 năm nay, nhưng vẫn chưa đạt được mức mục tiêu 2%. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế lớn nhiều khả năng sẽ lựa chọn hành động "tạm ngừng" tăng lãi suất, thay vì cắt giảm lãi suất.
Những thay đổi về lãi suất thường mất từ 12 đến 18 tháng mới tác động đến các nền kinh tế. Lãi suất cao khiến chi phí đi vay tăng lên, khiến người dân khắp nơi phải thắt chặt chi tiêu và có thể kéo theo làn sóng phá sản doanh nghiệp tại nhiều nước.
Kinh tế giảm tốc
Các nhà kinh tế dự đoán rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc trong năm 2024. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,9% trong năm 2024 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2019.
Đã có một số dấu hiệu đáng lo ngại về một sự suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở Mỹ và Liên minh châu Âu, từ đó sẽ lan rộng ra toàn thế giới.
Gia tăng căng thẳng địa chính trị
Căng thẳng địa chính trị có thể khiến tình hình trở nên xấu hơn. Theo các cuộc khảo sát của KPMG, Oxford Economics và BlackRock, các CEO giờ đây xếp địa chính trị và bất ổn chính trị là rủi ro lớn nhất đối với sự phát triển kinh doanh của họ trong ba năm tới.
Thế giới đang phải đối mặt với hai cuộc xung đột địa chính trị mạnh mẽ, giữa Nga và Ukraine, Israel với Hamas. Nếu xung đột lan rộng tại Trung Đông, ảnh hưởng sẽ rất lớn, do khu vực này là một trong những tuyến vận chuyển đường biển đông đúc nhất thế giới.
Bất kỳ cuộc tấn công nào vào eo biển Hormuz hay kênh đào Suez cũng sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại toàn cầu, bao gồm gần một nửa lượng vận chuyển dầu thô. Một cú sốc về dầu mỏ sẽ xảy ra sau đó và có thể trở nên trầm trọng hơn những gì đang có hiện nay.
Nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm tới. Cùng với những ích lợi không thể phủ nhận của công nghệ này, những tác động tiêu cực của AI cũng sẽ xuất hiện, dưới dạng một cơn sóng thần thông tin sai lệch, qua văn bản cũng như các hình ảnh, âm thanh và video đã được chỉnh sửa, mà người dùng bình thường sẽ rất khó phát hiện. Do đó, những kẻ phá hoại sẽ có thể dễ dàng hơn trong việc thao túng chính trị, dư luận và thị trường.
Ngay cả việc sử dụng hợp pháp AI cũng có thể gây ra những hệ quả không mong muốn. Số việc làm bị mất do AI thay thế sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường lao động sẽ có sự xáo trộn lớn hơn, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ - một xu hướng sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm 2024. Việc quản trị AI sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách.
Rủi ro khí hậu dai dẳng
Cuối cùng, sẽ không có sự thống kê rủi ro nào hoàn chỉnh, nếu không tính đến những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Hiện tượng El Nino có thể dẫn đến nhiệt độ toàn cầu thậm chí còn cao hơn vào năm tới, điều này sẽ làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng và hạn hán, từ đó có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đe dọa an ninh lương thực, đặc biệt là ở các nước nghèo và dẫn đến tình trạng di cư hàng loạt, bất ổn chính trị.
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024
Bức tranh kinh tế thế giới năm sau nhiều khả năng sẽ lại tiếp tục với những gam màu không thực sự sáng sủa. Nhưng vẫn có những điểm sáng, những kỳ vọng về sự phục hồi và phát triển. Cùng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về triển vọng kinh tế thế giới năm 2024.
Bà Clare Lombardelli - Nhà kinh tế trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): "Chúng tôi đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của Mỹ cho năm tới, còn với châu Âu điều chỉnh giảm. Các nền kinh tế mới nổi tại châu Á dự kiến sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào tăng trưởng toàn cầu trong hai năm tới. Nhìn chung, tăng trưởng GDP ở hầu hết các thị trường mới nổi đang duy trì tốt hơn so với các nền kinh tế phát triển. Ấn Độ đang chứng kiến các lĩnh vực dịch vụ, xuất khẩu và đầu tư công tăng mạnh, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế. Tăng trưởng ở Indonesia, Brazil và Mexico vẫn mạnh mẽ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.40882033221213202-hneb-pab-tar-nav-4202-man-uac-naot-iam-gnouht-gnov-neirt/ioig-eht/nv.vtv