Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 156 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 56 tỷ USD, tăng 6,2%. Đến nay, đã có hàng trăm mặt hàng rau quả, thủy sản và nhiều loại sản phẩm khác của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân.
Việc thúc đẩy đàm phán mở rộng thêm các mặt hàng và tăng cường xúc tiến giao thương giữa các doanh nghiệp đang là những giải pháp được đẩy mạnh nhằm gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều.
Sau lô yến đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Yến sào của tỉnh Bình Định đã lên kế hoạch để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất yến địa phương có được mã số xuất khẩu xuất yến tinh chế và yến nước chế biến sẵn sàng thị trường này.
Ông Trần Văn Ơi, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào tỉnh Bình Định, cho biết: "Chúng tôi phấn đấu đến 2035 có được 3000 nhà yến. Liên kết 3 nhà thì mới có thể đảm bảo xuất khẩu - nhà nuôi tạo ra nguồn gốc sản phẩm, đến nhà chế biến phải có nhà máy đạt chuẩn GMP".
Không còn là thị trường dễ tính, hiện nay các nhà nhập khẩu Trung Quốc yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, quy trình đóng gói, vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng này phải vệ sinh, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật kỹ càng ngay từ trong vựa.
Anh Vũ Ngọc Nam, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Nguyên, nói: "Trước khi cơ quan chức năng kiểm tra, chúng tôi lại phải kiểm tra thêm lần nữa. Tổng số kiểm tra chắc phải 3-4 lần thì mới đảm bảo không có rủi ro cho doanh nghiệp".
Theo Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn, các loại nông sản của Việt Nam được thị trường tỷ dân ưa chuộng, trong đó có các loại quả trong quá trình đàm phán xuất khẩu chính ngạch. Nếu quá trình này được thông qua, thì sẽ nâng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước lên.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: "Có bốn sản phẩm mà ta cũng cần mà Trung Quốc cũng cần: Dược liệu, trái cây đông lạnh, dưa hấu từ truyền thống chính ngạch và dừa. Đã đàm phán, kiểm tra trực tuyến chỉ còn đến thời ký kết. Chúng tôi hi vọng nhân chuyến thăm Chủ tịch nước Tập Cận Bình với Việt Nam thì những nghị định thư được kí kết và sản lượng, số lượng, chủng loại nông sản của Việt Nam sẽ xuất được sang Trung Quốc với qui mô lớn hơn, giá trị cao hơn và cơ cấu thị phần lớn hơn".
Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường đàm phán mở rộng danh mục cửa khẩu được phép xuất nhập khẩu nông sản, lương thực.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á Châu Phi, Bộ Công Thương, chia sẻ: "Giải quyết tránh để ùn tắc tại cửa khẩu như trước, mở rộng thêm các cửa khẩu, các mã chỉ định nhập khẩu nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng lượng thực được phép nhập khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu Trung Quốc. Thời gian qua tại Lạng Sơn, tại Quảng Ninh và tới đây chúng tôi cũng dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa các cửa khẩu tại Lào Cai, tại Hà Giang".
Bộ cũng cho biết sẽ kết hợp với sở công thương địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ nông dân trong quá trình sản xuất để đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc trong việc nhập khẩu hàng hoá và đưa xuất khẩu nông sản, thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo hướng chính ngạch, bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.86214713221213202-couq-gnurt-gnourt-iht-gnas-hcagn-hnihc-uahk-taux-gnouc-gnat/et-hnik/nv.vtv