Nhóm chiến lược gia của Goldman Sachs Group đã thể hiện quan điểm trên trong một ghi chú hôm thứ Hai, cho biết họ đánh giá cao ý tưởng về giá trị theo chu kỳ và ngắn hạn hơn so với dài hạn. Trong khi đó, Sanford C. Bernstein và Oanda Asia Pacific Pte nhận thấy thị trường chứng khoán châu Á vẫn có diễn biến ổn định hơn chứng khoán Mỹ trong năm 2021, trước bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng cao.
Các chiến lược gia của Goldman Sachs viết: "Chúng tôi luôn giữ quan điểm này với thị trường chứng khoán châu Á, nơi này chứng kiến rủi ro giảm nhẹ từ việc lợi suất trái phiếu và biến động tăng cao, từ đó có thể tạo ra cơ hội bắt đáy. Chúng tôi sẽ không đưa ra dự đoán về việc thị trường phản ánh với việc tăng giá mạnh ở thời điểm hiện tại, trừ khi lợi suất tăng mạnh hơn hoặc các tín hiệu của Fed thay đổi."
Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất kể từ đợt biến động hồi tháng 3/2020.
Dù giảm 3,7% ở phiên thứ Sáu tuần trước, chỉ số MSCI Asia Pacific đã ghi nhận đà tăng vượt trội so với S&P 500 trong năm nay, với 3 điểm phần trăm. Tính đến 12 giờ ngày 1/3 (giờ Hà Nội), MSCI Asia Pacific tăng 1,2%, ghi nhận mức tăng 4,5% từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, sự hồi phục của nền kinh tế châu Á được dự đoán sẽ vượt xa Mỹ. Dự báo của IMF cho thấy, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 8% trong năm 2021, cao gần gấp đôi so với các quốc gia phát triển bao gồm Mỹ.
Rupal Agarwal – chiến lược gia định lượng châu Á tại Sanford C Bernstein ở Mumbai, nhận định: "Châu Á sẽ dẫn đầu thị trường chứng khoán toàn cầu trong năm nay. Khu vực này đang hồi phục mạnh mẽ nhất và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng sẽ thúc đẩy nhiều hơn việc chuyển sang đầu tư các cổ phiếu giá trị tại châu Á."
Trong thời gian gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ trên toàn cầu đã tăng vọt do nguy cơ lạm phát quay trở lại trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục. Khi chi phí đi vay tăng lên có thể làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu, một số chiến lược gia cho biết Mỹ là thị trường sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn châu Á, bởi giá cổ phiếu đắt đỏ hơn và có nhiều cổ phiếu tăng trưởng ví dụ như các công ty công nghệ.
So sánh diễn biến của MSCI Asia Pacific và S&P 500.
Jeffrey Halley – nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, cho biết, chỉ số MSCI Asia Pacific có thể đối mặt với rủi ro giảm giá trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn lại có khả năng tăng trưởng tốt hơn. Không như thị trường Bắc Mỹ chịu ảnh hưởng nhiều bởi lĩnh vực công nghệ, thị trường châu Á – Thái Bình Dương lại bị chi phối bởi các ngành theo chu kỳ, vốn được hưởng lợi từ việc nền kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh mẽ.
Tuy nhiên, diễn biến tích cực lại không đồng nhất tại thị trường châu Á. Các chiến lược gia của Goldman Sachs cho biết, Bắc Á là khu vực nhạy cảm nhất với lợi suất trái phiếu. Theo đó, nhóm chiến lược gia đã nâng hạng với các lĩnh vực năng lượng và bảo hiểm tại châu Á lên mức "overweight" (tăng tỷ trọng đầu tư), trong khi hạ đánh giá đối với ngành internet và phương tiện truyền thông xuống "neutral" (trung lập) để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Tai Hui – chiến lược gia thị trường châu Á tại JPMorgan Asset Management, viết trong một lưu ý: "Trong vòng 12 đến 18 tháng tới, triển vọng lợi nhuận có thể được thúc đẩy bởi sự hồi phục mạnh mẽ ở châu Á." Ông cho biết thêm: "Cách tiếp cận đa dạng hơn – về cả địa lý và các ngành, sẽ giúp nhà đầu tư có định hướng trong đợt biến động sắp tới của thị trường."
Tham khảo Bloomberg