Ý kiến trái chiều
Anh Trần Huỳnh - chủ một hệ thống gần 10 cửa hàng chuyên bán rau Đà Lạt ở TPHCM - cho biết, lâu nay, cứ đến cuối ngày, các cửa hàng mới xuất hóa đơn dựa trên tổng số phiếu tính tiền trong ngày. Mỗi ngày, mỗi cửa hàng trong hệ thống bán khoảng 50 - 100kg rau, củ, quả cho hàng chục khách mua lẻ. Khi tính tiền, cửa hàng in phiếu cho khách hàng và lưu trên hệ thống, làm căn cứ để lập hóa đơn điện tử vào cuối ngày. Nếu phải xuất hóa đơn điện tử cho từng giao dịch như dự thảo của Bộ Tài chính, lượng hóa đơn mỗi ngày sẽ rất nhiều, có thể khiến các cửa hàng phát sinh thêm chi phí.
Chị Nguyễn Thúy Châu - chủ một hệ thống kinh doanh sản phẩm thời trang ở TPHCM - cho biết, mọi cửa hàng của chị đã áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Trước đây, mỗi ngày, mỗi cửa hàng xuất hóa đơn điện tử 1 lần nên mỗi tháng, hệ thống gồm 8 cửa hàng xuất khoảng 300 hóa đơn với gói chi phí từ đơn vị dịch vụ khoảng 220.000 đồng/tháng. “Nếu phải xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng, có thể chi phí dịch vụ hóa đơn điện tử sẽ tăng lên gấp hàng chục lần” - chị Châu nhẩm tính.
Nhân viên siêu thị GO! An Lạc, quận Bình Tân in phiếu tính tiền từ máy có kết nối với cơ quan thuế cho người mua hàng |
Góp ý với Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động của quy định trên bởi nó sẽ tạo áp lực về chi phí cho ngành kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chuỗi.
Những người bán lẻ các mặt hàng có giá trị thấp băn khoăn với dự thảo quy định mới trong khi với người kinh doanh các mặt hàng giá trị cao thì việc thực hiện không có trở ngại gì lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ, Kim hoàn, Đá quý TPHCM, việc xuất hóa đơn điện tử cho mỗi giao dịch không làm tăng chi phí hóa đơn nhiều như mọi người nghĩ. Các điểm kinh doanh vàng bạc, đá quý thuộc Hội Mỹ nghệ, Kim hoàn, Đá quý TPHCM lâu nay đã áp dụng hóa đơn điện tử giá trị gia tăng thông thường. Họ chỉ cần thực hiện thêm thao tác chuyển đổi sang hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Hội đang tổ chức hướng dẫn cho họ cách chuyển đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, các điểm kinh doanh chỉ cần xác định đơn vị, hộ kinh doanh của mình có thuộc đối tượng phải chuyển đổi sang hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền hay không, sau đó lựa chọn một đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử từ máy tính tiền uy tín. Họ sẽ hỗ trợ tất cả các dịch vụ và điểm bán hàng không tốn thêm nhân sự hay chi phí vận hành. Ông nói: “Chi phí hóa đơn có thể sẽ cao hơn một chút nhưng cũng không quá cao bởi các công ty cung cấp giải pháp bán hóa đơn theo gói: gói 100 hóa đơn có giá 99.000 đồng, gói 10.000 hóa đơn có giá khoảng 1,9 triệu đồng”.
Minh bạch hóa giá cả, doanh thu
Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - cho rằng, nếu dự thảo trên trở thành quy định chính thức, các điểm kinh doanh buộc phải kê khai đủ doanh thu, cơ quan thuế cũng xác định được doanh thu của người nộp thuế để thu thuế đúng, đủ, tránh thất thoát ngân sách.
Theo ông, lâu nay, hầu hết cơ sở bán lẻ chỉ in phiếu tính tiền cho khách, nhiều nơi còn không in, nên có thể họ không kê khai đủ doanh thu và bán hàng với giá cao hơn các điểm kinh doanh có nộp thuế, có kê khai doanh thu. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, chỉ còn một số nhóm nhỏ như xăng dầu, bán lẻ, dịch vụ vận tải là chưa thực hiện. Tới đây, người kinh doanh sẽ tốn thêm chi phí in ấn, mua phần mềm nhưng chi phí này không lớn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - nguyên giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng: ở các nước, việc xuất hóa đơn khi mua bán hàng hóa là nguyên tắc. Đây cũng là đòi hỏi bắt buộc và hợp lý đối với nền kinh tế thị trường văn minh, phát triển. Việc áp dụng quy định mới (nếu được ban hành) sẽ làm tăng chi phí nhưng không đáng kể bởi nó không chênh lệch bao nhiêu so với chi phí in phiếu tính tiền. Quy định này góp phần tạo ra thói quen “mua bán hàng phải có hóa đơn”, giúp bảo vệ quyền lợi của người mua hàng và Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Minh Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Trí - thì cho rằng việc áp dụng quy định này dù sao cũng sẽ làm tăng áp lực tài chính cho các cơ sở bán lẻ. Họ phải đầu tư máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Sau đó, họ phải tiếp tục tốn chi phí duy trì hệ thống máy tính tiền, bao gồm chi phí phần mềm, bảo trì, chi phí nhân sự vận hành hệ thống. Do đó, dự thảo cần quy định khoảng thời gian chuyển tiếp hợp lý trước khi áp dụng quy định mới này, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị hệ thống kỹ thuật, tối ưu hóa quá trình thích ứng. Cần phân loại các đối tượng áp dụng quy định này. Đặc biệt, cần xem xét đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và các ngành hàng đặc thù như bán lẻ xăng dầu, dịch vụ taxi… theo hướng không áp đặt quy định một cách cứng nhắc, bắt buộc.
“Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý nhằm giảm áp lực chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể để họ thích ứng với quy định mới một cách bền vững và hiệu quả” - luật sư Nguyễn Minh Anh đề xuất.
Ngành thuế nên khuyến khích người mua hàng lấy hóa đơn Nhiều điểm bán hàng viện lý do người mua hàng không đòi hóa đơn để không lập hóa đơn. Để người bán lập hóa đơn thì người mua phải đòi hóa đơn. Muốn người mua đòi hóa đơn thì phải cho người mua lợi ích nào đó. Do đó ở đây, cơ quan thuế phải thể hiện vai trò của mình. Ở các nước, người nào lấy hóa đơn khi mua hàng thì sẽ được khấu trừ tiền chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân. Để khuyến khích người dân lấy hóa đơn, ngành thuế Việt Nam có thể quy đổi hóa đơn thành phiếu giảm giá khi mua xăng dầu hoặc xổ số dựa vào dãy số trên hóa đơn để nhận giải thưởng như cách ngành thuế TPHCM đang làm. Phần thưởng này rất nhỏ so với số thuế mà cơ quan thuế có thể thất thoát do các điểm kinh doanh trốn thuế. Khi đó, người mua hàng sẽ tự động đòi hóa đơn từ các điểm bán hàng và các điểm kinh doanh buộc phải xuất hóa đơn (nếu không, sẽ bị khách hàng đánh giá thấp về dịch vụ). Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang |
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.4267051a-nod-aoh-taux-iahp-es-gnuc-uar-ob-nab/nv.moc.enilnounuhp.www