Bà Lee, một người dân Seoul đã 72 tuổi, cảm thấy sốc khi đến bệnh viện vì được thông báo rằng tất cả các lịch hẹn khám buổi sáng đã kín chỗ vì bệnh nhân đã sử dụng ứng dụng đặt lịch bệnh viện có tên là Ddocdoc.
Khi bà Lee hỏi mình có thể đến vào lúc mấy giờ vào buổi chiều, một nhân viên bệnh viện nói rằng bà cần đặt lịch hẹn buổi chiều qua ứng dụng Ddocdoc hoặc đăng ký trực tiếp sau giờ ăn trưa nhưng tốt nhất là nên dùng ứng dụng này vì các lịch hẹn khám đã kín chỗ trong chớp mắt vào buổi chiều.
Bà Lee nói: “Tôi bị ho dữ dội và đến bệnh viện để điều trị nhưng cuối cùng phải quay về nhà vì không biết cách sử dụng ứng dụng này”. Bà Lee sau đó đã đến bệnh viện khác gần đó và được điều trị sau khi chờ đợi khoảng hai giờ.
“Tôi cảm thấy thế giới đang thay đổi quá nhanh. Những người trẻ biết sử dụng ứng dụng này có thể đến khám ở bệnh viện một cách thuận tiện. Nhưng nếu không biết dùng các thiết bị thông minh thì chúng tôi gặp khó khăn,” bà Lee nói.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Ddocdoc đã thu hút hơn 10 triệu người đăng ký và liên kết với 10.000 bệnh viện trên toàn quốc. Để đặt chỗ bệnh viện thông qua Ddocdoc, người dùng hiện phải trả phí đăng ký 1.000 won (0,76 USD) mỗi tháng.
Các chuyên gia chỉ ra rằng dịch vụ này giúp bạn dễ dàng đặt lịch hẹn khám bệnh bằng điện thoại thông minh. Nhưng đối với những người cao tuổi không quen với các thiết bị thông minh và những người có thu nhập thấp không đủ khả năng đăng ký, quyền được điều trị y tế của họ đang bị ảnh hưởng.
Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong Kim Dae-jong cho biết: “Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới và cơ sở hạ tầng viễn thông chất lượng, giúp thúc đẩy sự phát triển của Ddocdoc”.
“Nhưng đối với người già hoặc những người không dùng ứng dụng này thì sẽ rất bất tiện khi không thể đặt chỗ trước tại bệnh viện. Nếu mọi người đặt tất cả các cuộc hẹn qua ứng dụng này, thì những người không sử dụng Ddocdoc sẽ không thể đặt chỗ trước. Điều này gây ra điểm mù trong chăm sóc y tế và không nên xảy ra”, giáo sư nói.
Khi tranh cãi về ứng dụng này vẫn tiếp diễn, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc gần đây đã gửi công văn tới các địa phương trên cả nước, yêu cầu hướng dẫn và giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn với bệnh viện tại chỗ và qua điện thoại.
Tình trạng bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận kỹ thuật không chỉ diễn ra trong lĩnh vực y tế.
Khi số lượng cửa hàng đặt đồ ăn hoặc hàng hóa qua ki-ốt tăng lên và việc đặt chỗ trực tuyến trở nên phổ biến, những người bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ kỹ thuật số không thể thích ứng tốt, từ đó gây ra vấn đề xã hội thực sự đối với một số người.
Giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Soongsil Hur Jun-soo dự đoán rằng khoảng cách giữa những người có thể sử dụng tốt dịch vụ kỹ thuật số và những người không thể sử dụng tốt sẽ tiếp tục gia tăng.
“Cơ quan Xã hội Thông tin Quốc gia cung cấp chương trình giáo dục kỹ thuật số cho các nhóm dễ bị tổn thương về kỹ thuật số như người khuyết tật và người già. Vấn đề là làm thế nào để truyền đạt điều này đến họ. Ví dụ, không phải tất cả người cao tuổi đều đến các trung tâm phúc lợi dành cho người cao tuổi, nơi cung cấp giáo dục kỹ thuật số. Vì vậy, rất khó để triển khai giáo dục cho nhiều người do số lượng người thăm rất hạn chế”, Giáo sư Hur nói.
“Cần hình thành một mạng lưới tại các trung tâm phúc lợi dành cho người cao tuổi, nơi người trẻ có thể giúp đỡ người già. Ví dụ, họ trực tiếp đến thăm nhà người cao tuổi để giúp họ hiểu những điều cơ bản và giúp người cao tuổi có thể hiểu được các dịch vụ kỹ thuật số.”
Giáo sư khoa phúc lợi người người cao tuổi tại Đại học Kỹ thuật số Busan Choi Yoo-mi cũng nhấn mạnh rằng cần tạo ra nhiều cơ hội giáo dục hơn cho người già.
Giáo sư nói thêm rằng chính quyền địa phương và các công ty đang hợp tác để mở rộng các điểm tiếp xúc với người cao tuổi về giáo dục kỹ thuật số.
Nguồn: Korea Times