Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế… đã có những góc nhìn về hiện trạng và định hình chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Trong đó, ghi nhận ngành hàng lúa gạo trong nước đạt được những thành công vượt bậc, đồng thời chỉ ra những hạn chế, thách thức trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Từ đó, định hướng xây dựng, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.
Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế tham dự hội thảo |
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, ngoài ghi nhận nhiều gợi ý về định hướng trọng tâm trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam thời gian tới, thì Bộ kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu quốc tế, tổ chức quốc tế… chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây được xem là giải pháp cấp thiết nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng trách nhiệm, minh bạch và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phát biểu |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn, giá trị 4,41 tỉ USD, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022; dự kiến ước đến cuối năm 2023 giá trị xuất khẩu gạo đạt khoảng 5 tỉ USD, kết quả ấn tượng.
Dự kiến ước đến cuối năm 2023 giá trị xuất khẩu gạo đạt khoảng 5 tỉ USD, kết quả ấn tượng. |
Dự báo về thị trường xuất khẩu gạo đầu năm 2024, Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khả năng là tình hình tiếp tục thuận lợi. Do đó, cần cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Cần quy hoạch vùng trồng lúa xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng... |
Về lâu lài cần quy hoạch vùng trồng lúa xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đến tận cánh đồng (thủy lợi, giao thông, điện, thiết kế đồng ruộng,…) và được hỗ trợ trong ứng dụng khoa học công nghệ; cơ giới hóa đồng bộ và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm giá thành sản xuất. Đẩy mạnh hoạt động tiếp thị cho sản phẩm gạo Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp phát triển thị trường mới nhằm khai thác hiệu quả của các cam kết hội nhập, ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp tới các hệ thống phân phối nước ngoài, tiếp cận hệ thống bán lẻ tại các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao và phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu…
Huỳnh Trọng