Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, sau khi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu bộ này rà soát lại, đảm bảo chặt chẽ quy định pháp luật trên cơ sở tờ trình hồi tháng 11.
Không đưa dự án cụ thể điện tái tạo vào kế hoạch thực hiện
Tại báo cáo, Bộ Công Thương giữ quan điểm kiến nghị ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 theo hai giai đoạn. Lý do qua rà soát các quy định pháp luật hiện nay, không có quy định cụ thể về số lượng quyết định phê duyệt của một kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Việc lựa chọn phương án cũng có ưu điểm là các nội dung được duyệt, nhất là lưới điện, có cơ sở pháp lý để triển khai ngay. Địa phương cũng có cơ sở để xây dựng danh mục dự án năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ phù hợp quy mô công suất được duyệt.
Liên quan tới phương án xử lý các dự án điện mặt trời tập trung, bộ nhắc lại thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ hồi tháng 5-2023. Cụ thể, các dự án đã có quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.
Quan điểm "dứt khoát không hợp thức hóa sai phạm" và giá mua điện phải "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Trong khi đó, hiện cũng chưa có ý kiến chỉ đạo liên quan tới kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với Quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh.
Các địa phương cũng được giao đề xuất cụ thể danh mục dự án (gồm các dự án chuyển tiếp) và chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất, đảm bảo nguyên tắc trên.
Do thiếu thông tin về hiệu quả đầu tư dự án, giá mua điện cũng như không có cam kết chắc chắn về tình trạng sai phạm, vì vậy Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định chưa thể xây dựng được danh mục dự án nguồn điện năng lượng tái tạo.
Đồng thời kiến nghị kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 không bao gồm danh mục dự án điện mặt trời tập trung đã có chủ đầu tư; Thủ tướng giao các địa phương rà soát và báo cáo về các dự án.
Bởi theo cơ quan này, các địa phương đề xuất danh mục phát triển các dự án năng lượng tái tạo đến năm 2030 vượt xa công suất tại quy hoạch.
Nhiều địa phương đề xuất công suất lớn hơn quy hoạch
Cụ thể, có 61 địa phương đề xuất 779 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất 8.331 MW; 651 dự án điện gió trên bờ, công suất 74.609 MW; 73 dự án điện rác 1.484 MW và 74 dự án điện sinh khối 2.711 MW...
Tuy nhiên, danh mục đề xuất chưa đáp ứng yêu cầu, khi có 15 địa phương không đề xuất danh mục dự án năng lượng tái tạo. 46 tỉnh có danh mục, nhưng chỉ hơn 2% số này có danh mục dự án phù hợp quy mô công suất được phân bổ.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đề xuất quy mô công suất lớn hơn nhiều so với quy mô dự kiến phát triển. Cụ thể công suất thủy điện nhỏ đề nghị làm gấp 2 lần quy hoạch; điện rác gấp 1,3 lần, sinh khối 3,7 lần.
Về chọn địa điểm phát triển LNG công suất 1.500 MW tại Quỳnh Lập hoặc Nghi Sơn, Bộ Công Thương đề nghị chọn Quỳnh Lập, sau khi xem xét các tiêu chí về sự phù hợp định hướng quy hoạch phát triển nguồn điện, phương án đấu nối với hệ thống lưới quốc gia, cũng như khả năng cung cấp LNG đến nhà máy.
"Quỳnh Lập có điều kiện thuận lợi hơn do tận dụng được mặt bằng sẵn có, đã được quy hoạch phát triển nhà máy nhiệt điện than trước đây", Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Dù nguồn cung cấp điện của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt điện than, nhiệt điện dầu và tuốc bin khí nhưng sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo cũng đã chiếm tới 14% tổng nguồn cung, bằng một nửa so với thủy điện.