Nhu cầu mua nhà dần phục hồi
Đầu tuần vừa qua, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục chứng kiến mức thấp kỷ lục mới, chỉ 2,2%/năm với kỳ hạn 1 - 2 tháng, 4,8%/năm với kỳ hạn 12 - 24 tháng. So với đầu năm nay, lãi suất gửi tiết kiệm đã giảm một nửa.
Cùng với lãi suất gửi tiết kiệm đã giảm sâu, hàng loạt ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay mua nhà. Không tính tới các chính sách bán hàng hỗ trợ vay ưu đãi từ phía các các chủ đầu tư, một số ngân hàng đã đưa ra gói vay mua nhà về mức thấp nhất là dưới 6%/năm. Có thể thấy, dòng vốn tín dụng cho bất động sản đã được nới van, giúp thị trường bất động sản, vốn mang gam màu xám hồi đầu năm, nay đã có màu xanh hy vọng trở lại.
Nhiều khách hàng cho biết, họ liên tục nhận được các lời chào mời vay vốn mua nhà. Thị trường đã bắt đầu lấy lại không khí giao dịch nhộn nhịp, đặc biệt ở phân khúc chung cư hoặc nhà có thể ở ngay. Các chuyên gia nhận định, đây là kết quả của sau hàng loạt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giảm lãi suất cho vay từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, từ đầu năm tới nay.
Ngay sau khi thấy lãi suất gửi tiền tiết kiệm xuống thấp kỷ lục, chị Mai cũng như nhiều nhà đầu tư khác đã tính tới việc dùng tiền nhàn rỗi để đi tìm mua bất động sản.
Các sàn giao dịch bất động sản trở nên bận rộn trong tháng cuối năm này. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Khi lãi suất ngân hàng về mức rất là thấp như bây giờ thì mình nghĩ mua nhà chung cư, cho thuê cũng là phương án rất là hay", chị Doãn Thị Tuyết Mai, nhà đầu tư, chia sẻ.
"Có dòng tiền nhàn rỗi thì mua bất động sản là phương án tốt nhất", chị Nguyễn Thị Hà Thúy, nhà đầu tư, nêu quan điểm.
Đối với những người có nhu cầu mua nhà để ở, sau thời gian dài nghe ngóng, đã từng phải cân lên đặt xuống vì lãi suất vay hồi đầu năm còn cao, trên 10%/năm, nay họ đã có thể quyết định mua.
"Các chủ đầu tư bây giờ mình thấy hỗ trợ rất hợp lý. Ví dụ hỗ trợ 24 - 36 tháng, lãi suất 0%. Mình thấy hợp lý", chị Lê Thị Thủy, TP Hà Nội, cho biết.
"Với khách không cần vay thì chủ đầu tư chiết khấu thẳng vào giá bán, thời gian đóng tiền giãn nữa nên mình thấy mua phù hợp thời điểm bây giờ", anh Phạm Trung Chức, TP Hà Nội, chia sẻ.
"Trong quý III, doanh số mua bán căn hộ tăng gấp đôi so với quý I, quý II; tích cực đưa ra các sản phẩm và gói ưu đãi cho vay mua nhà", ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho hay.
Các sàn giao dịch bất động sản trở nên bận rộn trong tháng cuối năm này. Họ cho rằng, đây là tháng "mật ngọt" nhất đối với môi giới trong suốt 2 năm vừa qua. Ngân hàng giảm lãi suất giúp các giao dịch chốt căn thành công tăng, chủ yếu là phân khúc nhà giá vừa tiền, từ 2 - 5 tỷ đồng. Còn các phân khúc giá trị cao hoặc phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, đất nền ở xa…, mức độ hồi phục chậm hơn.
"Khi có thông tin về lãi suất giảm, thị trường bất động sản đã có tín hiệu khách quan tâm trở lại, tìm hiểu. Gần Tết, nhiều người muốn đi mua nhà để tìm nhà mới cho mình vào năm mới", bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bất động sản Queen Land Group, nhìn nhận.
Còn theo ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản. Bởi thị trường bất động sản liên quan đến một loạt hệ sinh thái của hơn 40 ngành nghề khác, nên Chính phủ sẽ quan tâm để làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy sự sôi động của thị trường.
Lãi suất giảm, dòng tiền dành cho bất động sản dồi dào hơn. Theo nhận định của giới quan sát, mạch nguồn hồi phục này đang chảy từ từ mà chắc, chứ không ồ ạt, sốt nóng như những đợt giảm lãi suất nhiều năm trước.
Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng ổn định lãi suất cho vay
Rõ ràng các diễn biến trên thị trường đã cho thấy, khi mặt bằng lãi suất giảm, phần nào đã kích thích được giao dịch bất động sản đi lên. Tuy nhiên, nguồn cung dự án hạn chế, cộng với giá bán còn cao, nên các giao dịch đang tập trung ở các phân khúc có giá bán vừa phải, hợp với túi tiền.
Các chủ đầu tư hiện đang cần vốn ngân hàng để xây dựng dự án, cải thiện nguồn cung. Với mức lãi suất huy động giảm sâu như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng lãi suất sẽ hạ thêm. Những người trong cuộc, đặc biệt là phía ngân hàng, có phản hồi như thế nào về đề xuất này?
Với việc lãi suất huy động đầu vào đã giảm sâu từ 4 - 5%/năm so với mức đỉnh năm 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng.
Một số doanh nghiệp đã tiếp cận được khoản vay thấp mong muốn thời hạn vay ưu đãi sẽ kéo dài hơn. Bởi các khoản vay bất động sản thường kéo dài từ 5 - 10 năm, nhưng ngân hàng chỉ cho vay lãi suất thấp trong 1 năm đầu tiên, sau đó là thả nổi.
"Từ năm thứ hai vẫn phải lãi suất thả nổi, bằng lãi suất trung bình huy động 1 năm, công thêm 3,5%, vì vậy chưa ai lường được năm 2025, 2026 lãi suất như thế nao, nên các doanh nghiệp bất động sản vẫn thận trọng trong việc vay vốn", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest, cho biết.
Doanh nghiệp không lường được lãi suất năm sau. Từ góc độ ngân hàng, họ cũng không thể tính được lãi suất trong tương lai sẽ biến động ra sao. Vì vậy, các ngân hàng cho biết khó có thể cố định mức vay ưu đãi suốt cả chu kỳ vay.
"Vì biến động trong thời gian 5 - 10 năm, thậm chí 15 - 20 năm rất dài, ngân hàng đối mặt với rủi ro lãi suất có thể huy động cao nhưng cho vay lại thấp. Cuối năm ngoái tới đầu năm nay, ngân hàng đã phải 10 - 12%, nhưng bây giờ vẫn phải trả lãi suất cho người gửi từ hồi đó đến giờ với lãi suất đó, trong khi hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống dưới 10% nên ngân hàng đang lỗ lớn từ những khoản huy động từ năm trước. Đó là lý do vì sao ngân hàng phải thả nổi mà không thể fix được lãi suất", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết.
Cùng với lãi suất gửi tiết kiệm đã giảm sâu, hàng loạt ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay mua nhà. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Giá vốn để các ngân hàng cho vay trung, dài hạn thông thường cao hơn lãi suất huy động bình quân khoảng 1,5%. Như vậy, giá vốn đang ở mức 6,5 - 7% nên cho vay các doanh nghiệp từ 9 - 10%, thì ngân hàng còn margin khoảng 2,5 - 3%, với các chi phí hoạt động tài chính và thanh khoản, thì mức này là mức chấp nhận, còn ngân hàng hầu như không có lãi ở mức cho vay này", ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MBBank, thông tin.
Lãi suất cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào độ rủi ro của dự án. Nhiều ngân hàng cho biết họ sẵn sàng cấp vốn cho các dự án được chính phủ khuyến khích như phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thay vì nhà ở thương mại, nếu các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang phân khúc bình dân hơn, đáp ứng đúng nhu cầu ở của thị trường, thì có thể tiếp cận các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp.
Nhiều ý kiến chuyên gia bất động sản nhận định, lãi suất cho vay mua nhà đang dần tiệm cận ở mức hợp lý nhất cho người vay trong vòng nhiều năm trở lại đây. Vấn đề còn nằm ở giá bán từ phía các chủ đầu tư.
Trong khi đó, các chủ đầu tư lại phản ánh vẫn đang gặp khó khăn về mặt pháp lý để tiến hành xây dựng các dự án mới, nhằm cải thiện nguồn cung, hạ giá bán hay thủ tục vay vốn ngân hàng cần dễ dàng hơn.
Như vậy, ngoài trợ lực từ lãi suất, vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản còn nằm ở chính sách, thủ tục pháp lý và nỗ lực tái cấu trúc từ phía các chủ đầu tư. Đây là những "nút thắt" được kỳ vọng sẽ được tìm cách tháo gỡ dần trong nửa đầu năm 2024.
VTV.vn - Theo dự báo, khoảng nửa cuối năm sau, thị trường bất động sản mới thoát khỏi giai đoạn đảo chiều khó khăn hiện nay để bước vào chu kỳ mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.16483000041213202-ioh-cuhp-nas-gnod-tab-ohc-cul-ort-maig-taus-ial/et-hnik/nv.vtv