Đang yên lành, hết học kỳ 1 lớp 3, lớp chúng tôi bị đổi cô giáo chủ nhiệm ngang chừng. Phải nói là rất sốc!
Cô chủ nhiệm mới tên N., còn rất trẻ, chỉ tầm ngoài 20. Lũ trẻ cho rằng bởi tại cô N. này nên mới không được học cô giáo cũ nữa và đâm ra ghét cô.
"Em có biết con đĩ là gì không?"
Hôm đó, chuẩn bị cho đại hội chi đội, tôi là cờ đỏ nên mang hộp phiếu về nhà. Tan trường, tôi vừa đi vừa buôn chuyện. Ma xui quỷ khiến thế nào tôi giơ cái hộp phiếu lên và bảo: "Trông như cái quan tài của con đĩ N. ấy nhỉ?".
Tôi đã phạm phải một sai lầm ghê gớm, đó là quên mất rằng bạn gái đi sát tôi là chuyên gia mách lẻo.
Buổi học hôm sau, cô N. gọi tôi ra và hỏi: "Có phải hôm qua Việt bảo tôi là con đĩ không?".
Vốn không quen nói dối, tôi ngượng ngùng, sợ sệt: "Vâng". Cô N. vùng bỏ chạy, khóc nức nở. Cuối buổi học, có thông báo từ ban giám hiệu "em Việt mời phụ huynh đến gặp".
Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi phải mời phụ huynh đến trường. Tôi vốn có tiếng là ngoan và học giỏi mà. Nhìn mẹ tất tưởi đến gặp cô hiệu trưởng, tôi biết rằng sự việc nghiêm trọng nhường nào.
Buổi gặp trong phòng cô hiệu trưởng, cô N. chỉ chực khóc. "Việt, em có biết con đĩ là gì không?" - cô hiệu trưởng nghiêm mặt hỏi. "Dạ, em thưa cô, em không ạ" - tôi lí nhí.
Sau đó, tôi được cho về lớp nên không biết các cô đã nói với mẹ những gì. Về nhà, tôi không bị ăn đòn vì vụ này, mặc dù hồi đó tôi thường xuyên bị đòn vì cái tính hiếu động, mải chơi.
Cô N. vẫn lên lớp bình thường. Cuối năm học đó, một hôm, giờ ra chơi, cô gọi tôi lại:
"Việt, sang năm có cuộc thi giỏi toán cấp huyện, cô định cử em đi, em sẵn sàng chứ? Đáng ra năm nay em chỉ được hạnh kiểm khá, tức là không được đi thi, nhưng cô vẫn xếp em hạnh kiểm tốt. Cố ôn luyện mà thi cho tốt nhé"...
Vị tha là cứu cánh
Trên đây là câu chuyện của anh Lê Quốc Việt, một người đàn ông ngũ tuần có sự nghiệp thành đạt, viết lại như một nén tâm nhang tưởng nhớ cô N. đã khuất.
Câu chuyện với lời kể giản dị và chân thành khiến một người khai vấn học đường như tôi cảm thấy rất xúc động. Vì rằng không nhất thiết phải có kiến thức hay kỹ năng khai vấn thì giáo viên và phụ huynh mới dạy và nuôi con tốt.
30 - 40 năm trước ở Việt Nam, trào lưu học kỹ năng sống đâu đã thịnh, khai vấn học đường cũng chưa du nhập, nhưng ba người phụ nữ trong câu chuyện trên là mẹ, cô giáo chủ nhiệm và cô hiệu trưởng đã làm được những việc "bài bản" về mặt kỹ năng và trên hết là mang tinh thần nhân văn, vị tha, khiến chúng ta phải suy ngẫm và học hỏi.
Cậu bé Việt được coi là con ngoan trò giỏi, nhưng vì nhận thức chưa đầy đủ cộng với cảm xúc tức thời của một đứa trẻ, đã khiến một cô giáo tổn thương vì một câu nói hỗn.
Thay vì đưa ra những hình phạt hay phê phán công khai mà trẻ có thể cảm nhận như mình bị bêu riếu, sỉ nhục thì hai cô giáo đã gặp riêng nói chuyện với trò Việt với sự có mặt của mẹ.
Hai cô đã làm một điều hết sức giản dị mà hiệu ứng cao, đó là cho trò gọi tên hành vi của mình, từ đó nhận diện về hành vi, tiếp đến là cho trò biểu lộ cảm xúc. Và rõ là cậu bé Việt lúc đó mới nhận ra hệ quả nghiêm trọng hành vi của mình.
Cô giáo trẻ bật khóc trước mặt học sinh, hành vi này có thể bị diễn giải là để mất thể diện hay "mất oai" trước mặt học sinh, nhưng chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng có gì là xấu khi bộc lộ chân thực cảm xúc của mình.
Những giọt nước mắt của cô đã làm cho cậu bé Việt lo lắng và sợ hãi hơn cả những lời quát tháo hay tức giận của cô. Chắc chắn là như vậy, bởi bạo lực thường đáp trả bằng bạo lực và may là điều đó đã không xảy ra! Đây là một chi tiết đẹp: nước mắt của người lớn như một giọt nước rửa sạch thanh tâm của đứa trẻ.
Và người mẹ trong tình huống đặc biệt nghiêm trọng này đã không hề mắng mỏ hay đánh đòn con. Thế nên sự im lặng của cha mẹ có một sức mạnh vô hình lên trẻ nhỏ. Đó có thể là cái uy, là sự thất vọng, là nỗi buồn..., là những điều đứa trẻ luôn sợ nhất ở thái độ của người lớn.
Để rồi 40 năm sau, người đàn ông ngũ tuần vẫn không thể quên kỷ niệm buồn mà đẹp này, để một người khai vấn như tôi nhận được một bài học, như thể ba người phụ nữ ấy cũng là "thầy" của mình.
Quá khứ vẫn đem lại những bài học thiết thực cho hiện tại!
Trao cơ hội, đặt niềm tin
Tuyệt vời hơn cả trong việc xử lý tình huống và tìm ra giải pháp của ba người phụ nữ là không nhắc lại câu chuyện buồn đáng tiếc đó và tiếp tục tạo cơ hội cho trò Việt được tham gia kỳ tỉ thí để chứng tỏ học lực của mình.
Trong ngôn ngữ sư phạm và khai vấn, đó chính là trao thêm cơ hội và luôn đặt niềm tin ở trẻ, rằng em/con sẽ làm được. Vị tha của cha mẹ, độ lượng của thầy cô sẽ như đôi cánh tiếp thêm động lực và tự tin để đứa trẻ tung cánh cao hơn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh vụ cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép ở Tuyên Quang thực sự nghiêm trọng và không được phép xảy ra.