Có thể từ những bà cụ nhẩn nha kể chuyện xưa tích cũ, hay từ những cô dì từ quê lên phố chữa bệnh, đứng ngồi đợi chờ không yên. Mùi dầu gió khiến lòng tôi bồi hồi, bởi đó là mùi hương gợi nhớ bóng hình của ngoại và má.
Tôi lớn lên đã quen với mùi dầu gió bện vào nếp áo nâu sòng của ngoại, và thoang thoảng trên tấm lưng một nắng hai sương của má. Ngày đó, má hay nhờ tôi chạy lên tiệm tạp hóa ở ngã tư mua chai dầu gió xanh, hiệu Thiên Thảo, để dành khi trái gió trở trời, hay trong nhà có người nhức đầu, đau bụng. Đến tận bây giờ, má vẫn luôn để sẵn chai dầu Thiên Thảo trong nhà, đặt gọn gàng giữa chiếc hộp thiếc, xung quanh là những cuộn chỉ, kim khâu.
Còn ngoại tôi thì đặt chai dầu gió lên bậu cửa sổ, cạnh cánh võng ngoại nằm. Đi đâu ngoại cũng bỏ túi mang theo. Ngoại không khi nào thiếu được dầu gió. Bởi những khớp xương, nếp cơ lắm lúc lại dội lên dư ba của một đời gánh gồng bán bưng, lội sông, lội ruộng, mà tôi thường đi lạc vào miền hồi ức xa xôi của ngoại, trong nhiều đêm thời thơ ấu.
Cả ngoại và má - những người phụ nữ quê lam lũ, đều cần dầu gió để xoa dịu bao mưa nắng dầm dãi một đời, lâu dần thành thói quen, một mùi hương dịu vợi len thật sâu vào ký ức con cháu. Nhưng phải là dầu gió Thiên Thảo, loại dầu gió đẫm màu xanh lá, ngoại và má đã thân thuộc lâu nay, bịn rịn ấm nồng, và mùi hương thì không lẫn vào đâu được.
Dưới mái nhà đơn sơ của ngoại, mùi dầu gió loang vào từng ngóc ngách, ủ trên chiếc võng đong đưa, bện giữa gối mền cùng mùi hương người già, gần gụi, vỗ về, ấm áp khó phai trong tâm trí. Khi tôi viết những dòng này, mùi dầu Thiên Thảo của ngoại như từ sâu xa tâm tưởng tỏa ra man mác, khiến những con chữ cũng rưng rưng.
Nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường xoa dầu, bóp chân cho ngoại những ngày chuyển trời, gió lạnh, giữa tiếng xuýt xoa và giọng nói của ngoại đậm đà dư vị năm tháng. Ngoại hay để dành trong ngăn tủ chùm trái chín, vài chiếc bánh in, bánh tráng cho tôi, chúng cũng vấn vương mùi dầu gió. Bàn tay ngoại ân cần vuốt tóc tôi, khuôn miệng móm mém thơm vào má, vào tay tôi, cũng nghe đượm một mùi hương quen thuộc.
Ngoại tôi mấy mươi năm nay chỉ còn má tôi là con gái. Má lại được ở gần ngoại sớm chiều hủ hỉ, nên má thuộc lòng từng sở thích của ngoại, dần dà má giống ngoại từ khuôn mặt đến thói quen. Nhà tôi ở miền nắng gió rộc rạc, ngày xưa ba má làm nghề hầm than, phơi mình giữa nghi ngút khói, bụi bặm bám dày, nên má thường bị nhức đầu. Cả ngày nhọc nhằn, đêm về má lén trở mình thật khẽ theo những cơn mỏi lưng, đau khớp.
Thời phải tằn tiện chắt bóp từng đồng nên má ít khi mua thuốc, chỉ có chai dầu gió rẻ tiền mà xức được lâu. Má đưa võng cho tôi ngủ, lời ru của má quyện mùi dầu gió, rồi dạt vào trong cả những chiêm bao non nớt của tôi, như là chất xúc tác gọi giấc ngủ về. Nên từ nhỏ, có đi đâu xa, hễ thấy ai cầm chai dầu Thiên Thảo là tôi lại nhớ má ở nhà.
Có những ký ức ngỡ như vụn vặt mà chúng chẳng thể nào phôi pha theo năm tháng. Đó là lần tôi bị sốt cao, má vừa đi làm về, hốt hoảng cõng tôi xuống trạm xá, lúc ấy tôi đang dậy thì, tay chân đã dài ngoằng, mà dáng người má lại nhỏ thấp. Giữa cơn mê man, tôi nhận ra mùi dầu gió đằm dịu trên lưng má, không hiểu sao lại nhớ lâu đến tận bây giờ.
Có một quãng tôi xa má đi học, anh chị tôi cũng theo chữ nghĩa mà rời quê vào phố, ba tôi bươn chải giữa đất đỏ cao nguyên, nhà chỉ còn má. Mường tượng những buổi chiều lặng lẽ đi qua, má chỉ có mùi dầu gió bầu bạn khiến tôi muốn khóc. Cả những ngày tháng ấy hay đến tận sau này, mùi dầu gió luôn thầm gọi đàn con về với má, cũng là về với chính lòng mình, luôn ắp đầy hình bóng má, cùng bao lẽ giản dị không tên.
Tôi vào Sài Gòn, mất nửa ngày trên xe, trước mỗi lần khăn gói ra đi má lại dúi vào tay tôi chai dầu Thiên Thảo, phòng dọc đường dồn dập say xe. Năm tháng cứ trôi, ngoại tôi sau này bệnh nhiều, ngoài thuốc men đều đặn, ngoại không quên giữ trong mình chai dầu gió. Má nói với anh em tôi mỗi lần về thăm ngoại không cần phải mua gì cao sang to tát, đôi khi chỉ cần mấy chai dầu Thiên Thảo, là ngoại đã vui lòng. Tôi nghe mà ứa nước mắt.
Tôi vòng tay qua ôm má, vòng tay qua ôm ngoại, bao giờ cũng nhận ra một mùi hương thân thiết. Thứ mùi hương có lẽ sẽ khiến nhiều người khó chịu, gợi cảm giác bệnh tật, đau ốm, nhưng với tôi nó đã trở thành mùi của yêu thương.
Sài Gòn sớm nay gió lạnh lại về…
Cuộc thi 'Thương hiệu tôi yêu' nhận được bài dự thi của chị Đặng Thị Trường An - giám đốc điều hành và là đồng sáng lập thương hiệu Hoa Nắng - kể về hành trình gầy dựng một thương hiệu gạo hữu cơ.