Dù với mục đích tạo tiếng cười hay vẽ theo đặt hàng quảng cáo từ các nhãn hàng, các tranh vẽ này sẵn sàng tạo ra nhiều tình tiết, nội dung đùa giỡn quá trớn, thiếu chuẩn mực.
Tranh vẽ mang tiếng cười dung tục
Trang N.K.M.T có hơn 300.000 lượt thích và theo dõi. Ảnh bìa và phần giới thiệu, trang này ghi "Ở đây chúng tôi có giáo dục" hay "Tất cả vì sự nghiệp giáo dục".
Nhưng ngay từ tiêu đề cho đến các bài chia sẻ, có khá nhiều nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục. Nội dung thường lấy mối quan hệ cha mẹ - con cái, học sinh - giáo viên ra đùa cợt khá khiếm nhã chứ không như phần giới thiệu của trang.
Dưới bài đăng về một quy định gần đây liên quan đến buộc thôi học sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ tư, trang N.K.M.T tự sáng tác cuộc trò chuyện giữa thầy giáo và sinh viên mang hàm ý khá phản cảm.
Hay trong những tranh vẽ khác, trang này lấy mối quan hệ cha mẹ - con cái trong gia đình ra để "câu" tương tác.
Không chỉ N.K.M.T, nhiều trang khác như G.D.D.H cũng đăng tải những nội dung không phù hợp về mối quan hệ gia đình, hàm ý dung tục; hay trang H.S.C, C.T.FA sử dụng từ ngữ phản cảm, thô tục nhưng chọn cách… viết tắt, dùng teen code.
Vấn đề là các tranh vẽ này không chỉ nhận được hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt thích mà còn có hàng trăm bình luận, chia sẻ từ chính người dùng và các trang khác. Điều này vô tình tiếp tay cho những sản phẩm sáng tạo "rác" càng lan truyền rộng rãi.
Báo cáo vi phạm hay im lặng bỏ qua?
Làm trong mảng thiết kế, Phạm Ngọc Long Vân (22 tuổi) nói các trang nội dung về nhân vật hư cấu thường là dạng tranh 4 ô ngắn gọn. Tranh này có cách vẽ bắt mắt, câu chuyện hài hước nên mang tính giải trí cao, chạm đến số đông người trẻ.
Trước đây, thỉnh thoảng Vân mới thấy những tranh vẽ không phù hợp, nội dung phản cảm nhưng dạo gần đây lại thấy rất nhiều.
"Nhiều người sẽ chọn cách bỏ qua thay vì báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Phần vì các trang này cũng không liên quan đến họ. Phần khác vì rất nhiều trang khác đăng tải lại nên có báo cáo cũng không tác dụng nhiều", Vân cho biết.
Trước nhiều nội dung "rác" tràn lan trên mạng, Nguyễn Danh Hùng - lớp 11 Trường THPT Cẩm Giàng (Hải Dương) - chọn cách giảm tần suất dùng mạng xã hội, chỉ đọc thông tin từ các trang chính thống.
"Học sinh thường thiếu kỹ năng phản biện. Đọc nhiều nội dung không phù hợp dần dà có thể khiến suy nghĩ lệch lạc.
Vài lần đầu có thể còn cảm thấy đó là nội dung phản cảm nhưng lâu dài lại tự hỏi phải chăng như thế mới là đúng", Hùng bày tỏ.
Bạn Đỗ Trần Hà Trang (Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng mạng xã hội ngày càng phổ biến, nhà trường và gia đình nên dạy cho trẻ kỹ năng để biết chọn lọc thông tin phù hợp vì khó cấm trẻ tiếp xúc với mạng xã hội.
Đối thoại với sinh viên Việt Nam từ hơn 9.000 điểm cầu trong và ngoài nước, anh Nguyễn Minh Triết đã đặt hàng với sinh viên về việc lọc thông tin 'xấu, độc' để 'phủ xanh' mạng xã hội, lan tỏa điều tốt đẹp.