Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sự chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình hoạt động của nhà máy thông minh đã và đang triển khai rộng rãi áp dụng trong ngành công nghiệp và sản xuất.
Theo báo cáo đăng trên Accenture, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp tăng trưởng lợi nhuận tới 38% cho ngành sản xuất vào năm 2035.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong thị trường nội địa. Vì vậy, phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hiện nay.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt tay cùng chính phủ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Trong số đó, Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh, hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam vào tháng 2/2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 2 năm (2022-2023) là một ví dụ điển hình.
Tính đến cuối năm 2023, sau 2 năm triển khai, số chuyên gia và doanh nghiệp được đào tạo, tư vấn từ dự án này đã vượt mục tiêu ban đầu, với 123 chuyên gia và 52 doanh nghiệp trên cả nước.
Thành quả sau những nỗ lực
Là một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên ở khu vực miền Trung tham gia chương trình tư vấn phát triển nhà máy thông minh của Samsung, việc áp dụng mô hình nhà máy thông minh đã giúp cho Công ty TNHH Bao bì Tân Long (Đà Nẵng) gặt hái những kết quả ấn tượng.
Từ xuất phát điểm ban đầu đánh giá trước khi tiến hành các giải pháp xây dựng nhà máy thông minh, dây chuyền sản xuất hộp màu của Công ty TNHH Bao bì Tân Long mới chỉ đạt chỉ số 0,9/5,0 thì sau khi được tư vấn và thực hiện các giải pháp xây dựng nhà máy thông minh, chỉ số đã tăng lên là 2,8/5,0, đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra của dự án.
Tại Tân Long, một hệ thống quản lý dữ liệu thông minh đã được hình thành, giúp thu thập các dữ liệu theo thời gian thực, chuyển thông tin đến các phần mềm để tổng hợp và đưa ra các đề xuất tối ưu hoạt động, loại bỏ tối đa lao động thủ công của con người trong khâu trung gian.
Dựa trên những báo cáo được tổng hợp từ hệ thống phòng điều khiển trung tâm với dữ liệu chi tiết, các kỹ sư cũng dễ dàng nắm bắt được tình hình sản xuất, phối hợp cùng các bộ phận để triển khai sản xuất linh hoạt, kịp thời, tối ưu.
Theo lãnh đạo công ty, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch hàng ngày tại Tân Long trước khi áp dụng hệ thống là khoảng 38% đến 45% nhưng sau khi áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu thông minh, con số này đã lên tới 85%.
Theo ông Hà Ngọc Thống - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bao bì Tân Long - xây dựng, vận hành nhà máy thông minh là xu thế tất yếu, và nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ Samsung thì công ty sẽ không hiểu và sẽ mất rất nhiều thời gian, kinh phí nếu muốn thực hiện.
"3 tháng qua là bước đánh dấu bước chuyển mình của công ty Tân Long trong hành trình xây dựng nhà máy thông minh cho toàn bộ các dây chuyền sản xuất còn lại của công ty. Samsung cũng hỗ trợ chúng tôi đào tạo một số chuyên viên hiểu cách xây dựng hạng mục thiết yếu để áp dụng cho các dây chuyền khác", ông Thống chia sẻ và tin tưởng việc xây dựng thành công nhà máy thông minh tại công ty sẽ là nguồn cảm hứng lan tỏa cho các doanh nghiệp khác tại TP Đà Nẵng.
Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp Việt: "Chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện, ưu tiên cơ hội tham gia vào mạng cung ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và được đào tạo bài bản".