Chương trình CSI đã được VCCI, với hạt nhân là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), chủ trì tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ năm 2016. Năm nay, ban chỉ đạo chương trình có thêm sự tham gia của Ban Kinh tế Trung ương.
Từ gần 500 hồ sơ doanh nghiệp, ban tổ chức đã lựa chọn ra 146 hồ sơ đạt yêu cầu để hội đồng đánh giá thực hiện chấm điểm độc lập trên phần mềm, từ đó xác định 100 doanh nghiệp tiêu biểu nhất để biểu dương trong Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2023 ngày 13/12.
Ngoài biểu dương hạng mục chính Doanh nghiệp bền vững, chương trình cũng tìm ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong hai hạng mục chuyên đề là "Doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon", và "Doanh nghiệp tiên phong xây dựng giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm".
Phó chủ tịch VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh, chia sẻ Chương trình CSI là tâm huyết rất lớn của VCCI và các cơ quan thuộc ban chỉ đạo chương trình trong nỗ lực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cam kết mạnh mẽ hơn và tích cực theo đuổi định hướng kinh doanh bền vững.
Cũng theo ông Vinh, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến chương trình, tỷ lệ doanh nghiệp mới tham gia CSI 2023 ghi nhận ở mức gần 25%. "Đây là một tín hiệu rất tích cực, minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nước nhà", ông Vinh cho hay.
Bước sang năm thứ 8, chương trình vẫn tiếp tục sử dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) làm công cụ đánh giá mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp trên các khía cạnh: hiệu quả kinh tế, quản trị doanh nghiệp, môi trường, và lao động, xã hội.
Hàng năm, Bộ chỉ số đều được cập nhật, nâng cấp ngày càng hoàn thiện, trở nên thân thiện và gần gũi hơn với các tiêu chí chi tiết và cụ thể, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành trong nước và các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế.
Trong 130 chỉ số của CSI 2023 có tới 63% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững chiếm 37%, cho thấy việc Bộ chỉ số CSI rất thân thuộc, dễ áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, ở mọi quy mô và loại hình.
Dù ở quy mô vừa và nhỏ, chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nói chung và có thể được đánh giá cao trong Chương trình CSI nói riêng.
Ông Vinh nhấn mạnh: "Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở một chương trình đánh giá và biểu dương doanh nghiệp. Hơn hết, CSI hướng đến thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi tư duy kinh doanh. Doanh nghiệp cần thay đổi từ tư duy kinh doanh vì lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm. Để tồn tại và trụ vững trên một sân chơi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, doanh nghiệp buộc phải áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp bài bản, khoa học, minh bạch thông tin để có thể giữ chân khách hàng và thu hút nhà đầu tư tốt hơn".
Khi áp dụng Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động phát triển bền vững, tự tổng hợp thông tin theo hướng dẫn, từ đó có thể tự đánh giá tổng quát "sức khỏe" của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động, qua đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh, đồng thời làm tốt hơn công tác lập và báo cáo thông tin, giúp thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Chương trình và Bộ chỉ số CSI đã được đưa vào các chính sách quan trọng về phát triển bền vững của Chính phủ, cụ thể là Chỉ thị 13 của Thủ tướng về Phát triển bền vững lần đầu tiên của Việt Nam, Quyết định 1362 của Thủ tướng về Phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hay Nghị quyết 136 về Phát triển bền vững.
Năm 2024, Chương trình CSI sẽ tiếp tục được VCCI triển khai mạnh mẽ hơn trên toàn quốc. Các doanh nghiệp quan tâm có thể tham dự Lễ phát động Chương trình CSI 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 5.