Ngày 14-12, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thí điểm áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP.
Mô hình 5S được nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trên khắp thế giới áp dụng nhằm tổ chức nơi làm việc có tổ chức, an toàn, sạch sẽ và hiệu quả, tạo điều kiện cho việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, đem lại niềm tin cho khách hàng.
Việc áp dụng công cụ mô hình 5S nhằm thực hiện đề án nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính ở các sở, ngành, UBND các cấp trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025.
Theo kế hoạch, UBND TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm tại 9 cơ quan, đơn vị gồm các Sở KH&CN, VH&TT, Nội vụ, Công Thương, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND TP, UBND quận 1, Nhà Bè, TP Thủ Đức và Lực lượng Thanh niên xung phong TP.
Thời gian thực hiện thí điểm từ ngày 1-1-2024 đến hết năm 2024.
Các cơ quan, đơn vị thí điểm sẽ triển khai, tập huấn công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S và thực hành trong hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời, thực hiện đánh giá, kiểm tra định kỳ hàng quý việc áp dụng 5S.
5S là chữ cái viết tắt của năm từ đều bắt đầu bằng chữ S. Gồm:
Seri (sàng lọc): là xem xét, phân loại, chọn lựa và loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc.
Seiton (sắp xếp): là bố trí, sắp đặt mọi thứ ngăn nắp theo trật tự hợp lý để dễ dàng, nhanh chóng cho việc sử dụng.
Seiso (sạch sẽ): là giữ gìn vệ sinh tại nơi làm việc, máy móc, thiết bị để đảm bảo môi trường, mỹ quan tại nơi làm việc.
Seiketsu (săn sóc): là duy trì thường xuyên những việc đã làm, cải tiến liên tục nơi làm việc để đạt được hiệu quả cao hơn.
Shitsuke (sẵn sàng): giáo dục mọi người có ý thức, tạo thói quen tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc. Kiểm tra định kỳ với những nguyên tắc đã xác lập và định hình một nền văn hoá trong đơn vị.
TP.HCM kiện toàn Ban chỉ đạo Cải cách hành chính
(PLO)- Ban chỉ đạo Cải cách hành chính do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan làm Phó ban thường trực.