Dì của Amir nói cha mẹ và hai anh chị em của bé đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Israel vào Gaza.
"Nhìn các bé mà tan nát con tim"
Amir, 20 tháng tuổi, còn quá nhỏ để hiểu rằng mình đã mồ côi.
Dì Nehaia Al-Qadra của bé nói: “Họ tìm thấy Amir trong vòng tay người mẹ nằm chết trên đường. Bây giờ chỉ còn hai chúng tôi".
Amir nhớ cha mẹ mình. “Hôm qua, nhìn thấy một y tá trông giống ba, bé liên tục hét lên 'Ba! Ba! Ba ơi!', Al-Qadra kể. Để trấn an, cô cho Amir xem một đoạn video về cha cậu.
Bé hiện được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Rafah, miền nam Gaza, do Chính phủ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vừa lập.
Trong một căn phòng khác của bệnh viện dã chiến này, Jinan Sahar Mugari, 8 tuổi, được bó bột toàn thân. Bé nói với Đài CNN: “Họ đánh bom ngôi nhà trước mặt con và sau đó là nhà của con. Con ngồi cạnh ông nội, ông nội ôm con che chở".
Jinan đang ngồi cạnh ông nội thì nhà bé bị trúng bom. Đầu bé bị thương và chân bị giập nát.
Mẹ bé, cô Hiba Mohammed Mughari, không có ở nhà vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Cô động viên con nói chuyện trong khi bản thân im lặng, nước mắt chảy dài.
Các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến UAE cho biết việc thăm khám và điều trị cho trẻ em là nạn nhân chiến tranh vô cùng khó khăn.
“Đó là điều làm tan nát trái tim bạn", bác sĩ Ahmed Almazrouei nói khi nhìn thấy những đứa trẻ bị thương.
Đồng nghiệp của ông, giám đốc y tế của bệnh viện, bác sĩ Abdallah Al-Naqbi, nói thêm: “Đây rõ ràng là dân thường. Họ không đáng bị mất bất kỳ thứ gì khi ngồi cùng gia đình".
Sốc và tuyệt vọng
Các bác sĩ tình nguyện trực 24/7 và làm việc nhiều giờ. “Hôm qua chúng tôi bắt đầu mổ lúc 3 giờ sáng. Bốn vết thương. Không cắt cụt chân nhưng bị bỏng. Vết bỏng còn tệ hơn cả cắt cụt chi. Và chúng tôi đã làm đến tận chiều muộn”, bác sĩ Al-Naqbi nói.
Chăm sóc các nạn nhân chấn thương là công việc trọng tâm của các bác sĩ trong sứ mệnh mang tên “Chiến dịch Hiệp sĩ dũng cảm 3”. Nhưng họ cũng tuyệt vọng khi hệ thống y tế địa phương sụp đổ và cái nghèo, tình trạng dồn ứ bệnh nhân dẫn đến các bệnh truyền nhiễm và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác lan rộng khắp cộng đồng.
Bác sĩ Al-Naqbi nói: “Có người bị thương ở đầu và có giòi chui ra từ vết thương. Chúng tôi không thể giải thích họ đã tiếp xúc với loại môi trường nào và về mặt y tế, tôi không thể giải thích tình trạng đó nhiễm trùng đến mức nào. Ngay cả bác sĩ phẫu thuật của chúng tôi cũng bị sốc”.
Trong vòng 15 phút sau khi Đài CNN đến, có tiếng nổ lớn của một cuộc không kích gần đó. Các bác sĩ thậm chí không hề nao núng.
“Đó là cuộc sống thực. Tôi nghĩ chúng tôi đã quen với nó rồi", bác sĩ Al-Naqbi nói và cho biết thêm rằng họ nghe thấy ít nhất 20 tiếng nổ mỗi ngày.
"Không ai quan tâm dân thường ở Gaza"
Ngay cả khi nhiều quốc gia kêu gọi ngừng bắn, một bệnh nhân trẻ ở bệnh viện dã chiến UAE đã cay đắng đặt câu hỏi có ai thật sự quan tâm đúng mức đến số phận của dân thường trong chiến tranh không?
Trước chiến tranh, Lama Ali Hassan Alloush, 20 tuổi, đang học ngành kỹ thuật tại trường đại học và chuẩn bị cho đám cưới của chị gái mình. Gia đình cô tuân theo lệnh của quân đội Israel rời bỏ nhà cửa ở phía bắc và chạy trốn về phía nam. Nhưng ngôi nhà nơi họ đang trú ẩn đã bị trúng bom. Hiện cô đang nằm viện, chân phải bị cắt cụt. Một tương lai đen tối đang hé ra.
Cô khóc tấm tức: “Thế giới không lắng nghe chúng tôi. Không ai quan tâm đến chúng tôi, chúng tôi đã sống dở chết dở hơn 60 ngày với bom đạn".
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết cứ mỗi 10 phút có 1 trẻ em bị giết chết ở Gaza, trong khi hệ thống y tế khu vực đã "gục ngã".