Thông tin trên được đưa ra tại phiên thảo luận tại Hội thảo Sử dụng vật liệu nội thất bền vững và an toàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 15-12.
Cần kiểm tra nhãn mác giấy dán tường, miếng dán sàn
Ông Trần Khánh Trung, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, thừa nhận thực tế người Việt quan tâm đến tiêu chuẩn, chất lượng nội thất còn khá ít, các quy định, quy chuẩn chất lượng với đồ nội thất của Việt Nam cũng còn thiếu và chưa áp dụng rộng rãi trong khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu.
“Đa số người Việt Nam ta xây xong nhà, ra chợ mua nội thất về bố trí cho đầy đủ và không quan tâm chất lượng là chuyện thực tế. Vì vậy, thông tư 04 của Bộ Xây dựng quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có hiệu lực từ 1-1-2024 là cần thiết.
Tuy nhiên, với điều kiện người tiêu dùng Việt Nam như vậy thì rất cần thêm các phương tiện truyền thông vào cuộc để cộng đồng hiểu biết hơn về các quy định này, hiểu biết về các nguy cơ từ đồ nội thất chưa đảm bảo chất lượng và yêu cầu người bán, nhà sản xuất công bố thông tin sản phẩm khi bán hàng”, ông Trung đề xuất.
TS Nguyễn Trung Thành - viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng - khẳng định hệ thống pháp luật ngành xây dựng đã khá hoàn thiện. Đặc biệt các công trình thuộc nguồn vốn nhà nước phải chịu rất nhiều quy chuẩn, nghị định, có nghiệm thu, bài bản... mới được đi vào sử dụng. Tuy nhiên với các công trình dân dụng thì chủ yếu do người dân tự mua nội thất về sử dụng nên khó kiểm soát hết nếu người dân không chủ động kiểm soát chất lượng.
“Người dân khi mua sản phẩm vật liệu xây dựng cần phải chủ động chú ý đến chất lượng vật liệu, để ý các chỉ số trên sản phẩm. Chúng ta cần kiểm tra cả nhãn mác của cả giấy dán tường, miếng dán sàn chứ không chỉ tivi, tủ lạnh… Nếu người sử dụng không chủ động quan tâm tới vấn đề này thì đơn vị thi công dễ đánh tráo, đơn vị nội thất sẽ không nghiêm túc”, ông Thành khuyên.
Nhà sản xuất mong thị trường minh bạch hơn
Ông Trịnh Hữu Kiên - tổng giám đốc Tập đoàn KES - một trong những doanh nghiệp sản xuất gỗ công nghiệp quy mô lớn đến Mỹ - cho biết để bán được sản phẩm qua thị trường Mỹ phải trải qua rất nhiều vòng đánh giá của khách hàng và bên thứ 3.
Hằng năm công ty đều phải tái đánh giá, thậm chí đánh giá trước mỗi lô hàng khi xuất khẩu bởi quy mô xuất khẩu của tập đoàn rất lớn (mỗi tháng 200 container), nếu có bất kỳ vấn đề gì rủi ro sẽ là cực kỳ thiệt hại.
Theo ông Kiên, mặc dù tất cả đặc tính của sản phẩm và các yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng sản phẩm của KES đều đạt chuẩn quốc tế nhưng việc tiêu thụ ở thị trường trong nước vẫn gặp khó khăn. Bởi thị trường Việt Nam hiện tại có hơn vài trăm thương hiệu khác nhau với tiêu chuẩn không rõ ràng, minh bạch, gây khó khăn cho các nhà sản xuất chân chính.
“Mong cơ quan chức năng có biện pháp thanh kiểm tra các sản phẩm phân phối trên thị trường để mang lại sản phẩm đạt chuẩn. Và cũng mong các cơ quan truyền thông thông tin làm sao để người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm đạt chuẩn mà tin dùng, làm cho thị trường ngày càng minh bạch hơn”, ông Kiên nói.
Xu thế tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng thân thiện với môi trường, nguồn nguyên liệu có thể tái chế đang hướng người tiêu dùng đến với các sản phẩm gỗ công nghiệp.