Ngoài việc trông chờ vào các nguồn lực có hạn như vốn đầu tư công, nguồn điều tiết từ ngân sách trung ương, vay nước ngoài thì việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân cũng là điểm rất đáng chú ý.
Cụ thể, nhiều kỳ vọng về việc vốn tư nhân sẽ chảy mạnh vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của TP.HCM khi hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) được Chính phủ cụ thể hóa trong nghị định hướng dẫn cơ chế đặc thù cho TP sẽ ban hành trong thời gian tới.
TP được trao quyền và trách nhiệm
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, TP.HCM được áp dụng hình thức hợp đồng BT và dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tổng vốn đầu tư dự án BT được xác định như dự án đầu tư công, chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng công trình BT và lợi nhuận hợp lý được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Việc phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện như với dự án PPP (hợp tác theo phương thức đối tác công tư) - đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Theo đó, UBND TP.HCM quy định tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án BT, trình HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về trần lãi suất vốn vay dự án BT sau thời gian xây dựng, trần tỉ lệ vốn chủ sở hữu/vốn đầu tư tại kỳ họp cuối năm.
Trường hợp lãi suất cho vay bình quân trung hạn, dài hạn trên thị trường tín dụng có biến động dẫn đến phải điều chỉnh lãi vay hợp đồng BT thì báo cáo HĐND TP xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành, lĩnh vực của dự án BT trên địa bàn TP.HCM sẽ do cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM được giao công bố.
Thời gian tính lợi nhuận cho nhà đầu tư BT là từ thời điểm hạng mục công trình độc lập hoàn thành, dự án BT hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng đến thời điểm thanh quyết toán cho nhà đầu tư.
Lợi nhuận thế nào thì phù hợp?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công (Đại học Fulbright Việt Nam) - cho rằng việc xác định lợi nhuận cho dự án BT là khó vì tỉ suất lợi nhuận phụ thuộc vào từng giai đoạn khác nhau theo điều kiện thị trường và các yếu tố khác của nền kinh tế.
Tùy theo từng mô hình, ước lượng thì tỉ suất lợi nhuận thực của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dao động từ 6 - 10% tổng vốn đầu tư là phù hợp. Nếu lợi nhuận thấp hơn thì dự án không đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Những dự án có tỉ suất lợi nhuận cao hơn mức chung này thường gắn với hai yếu tố như lợi nhuận siêu ngạch, đặc lợi của dự án hoặc những dự án có nhiều rủi ro, bấp bênh về nguồn thu, biến động tỉ giá, thị trường, nguồn thu thì dự án phải có phí bù rủi ro. Và trong trường hợp này thì tỉ suất lợi nhuận thực kỳ vọng sẽ từ 12 - 13%.
Trong khi đó, theo tính toán của một nhà đầu tư tư nhân từng làm nhiều dự án PPP giao thông ở phía Bắc thì so với hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), hợp đồng BT an toàn hơn rất nhiều.
Hợp đồng BT chỉ đơn thuần là Nhà nước thiếu vốn cần huy động nguồn lực vốn tư nhân tham gia làm các dự án hạ tầng, sau đó Nhà nước sẽ thanh toán chi phí đầu tư dự án và lợi nhuận cho nhà đầu tư, vì thế lợi nhuận của các dự án BT hạ tầng giao thông chỉ cần ngang với lãi suất ngân hàng cùng kỳ là nhiều nhà đầu tư tư nhân sẽ nhảy vào làm.
Nhà đầu tư làm dự án BT có thể chấp nhận mức lợi nhuận bằng lãi suất ngân hàng thương mại cùng kỳ để có được việc làm cho doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đầu tư BT là chuẩn mực chung trên thế giới, nhiều nước đang phát triển họ cũng làm BT. Về lâu dài để phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại thì việc thúc đẩy đầu tư PPP trong đó có đầu tư BT là tất yếu.
Còn về tỉ suất lợi nhuận của dự án BT, ông Hoàng cho rằng có thể phụ thuộc vào đàm phán giữa nhà đầu tư tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước dựa trên các yếu tố như lãi suất huy động trung và dài hạn của bốn ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cùng thời điểm.
Ví dụ nếu bốn ngân hàng này đang huy động lãi suất trung và dài hạn là 11,5%/năm thì lợi nhuận của nhà đầu tư BT phải bằng mức lãi suất này, cộng thêm biên độ 2% trong trường hợp dự án BT được thanh toán sớm. Cần quy định rõ biên độ này để các cơ quan quản lý nhà nước dễ đàm phán với nhà đầu tư tư nhân.
Trường hợp việc thanh toán hợp đồng BT kéo dài thì cơ quan quản lý nhà nước phải thanh toán lãi suất với phần vốn nhà đầu tư đã bỏ ra làm dự án BT tương đương với lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường, ông Hoàng cho biết thêm.
Nhiều cơ chế hút vốn tư nhân vào hạ tầng TP.HCM
Theo TS Trần Du Lịch - chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết 98 là tạo cơ chế cho TP huy động nguồn vốn xã hội ngoài ngân sách dưới các hình thức khác nhau.
Bởi với cơ chế bố trí đầu tư công như lâu nay thì TP.HCM không thể nào xây dựng được kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội với quy mô TP hiện nay. Cũng theo ông Lịch, để huy động nguồn lực ngoài xã hội thì TP được cho áp dụng các cơ chế quan trọng sau.
Thứ nhất, cho TP.HCM tiếp tục thực hiện các dự án PPP, mở rộng đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao mà lâu nay Luật PPP chưa cho. Với nhóm này, vừa qua TP.HCM đã đề xuất 41 dự án PPP có liên quan tới lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Thứ hai, TP.HCM được sử dụng những công trình giao thông đang có để làm tiếp các dự án BOT như dự án mở rộng quốc lộ 13. Như vậy, TP có thể sử dụng các công trình đã đầu tư, tư nhân bỏ vốn đầu tư thêm và thu phí hoàn vốn.
Thứ ba, cho TP.HCM tiếp tục thực hiện các dự án BT để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, TP.HCM được sử dụng quỹ đất đô thị ở các đường vành đai, đường sắt đô thị để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm). Sử dụng quỹ đất dọc theo các tuyến giao thông để huy động vốn cho phát triển hạ tầng.
Thứ tư, cho TP phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tăng bội chi từ 70% lên 120% số thu ngân sách của TP. "Đây là những cơ chế hiện nay TP.HCM đang thiếu", ông Lịch nhấn mạnh.
Thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển
GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho hay bản chất hợp đồng BT là Nhà nước đứng ra mua lại công trình hạ tầng mà tư nhân đã đầu tư.
Trong phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM có những công trình cần phải đầu tư, được sử dụng vào mục đích công cộng nhưng không thể thu phí thì TP có thể lập dự án BT, đấu thầu chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư tư nhân trúng thầu sẽ tự bỏ tiền làm dự án BT sau đó bàn giao lại cho Nhà nước.
Nhà nước sẽ thanh toán giá trị công trình cho nhà đầu tư BT bằng vốn đầu tư công theo dạng mua lại công trình. Điều này giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình hạ tầng giao thông.
Cũng theo ông Cường, cơ chế đầu tư BT có nhiều lợi ích, ngoài việc thúc đẩy phát triển hạ tầng chung của TP.HCM còn thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Ví dụ như TP.HCM đang đầu tư các dự án đường sắt đô thị thì có thể đặt hàng mua các đoàn tàu, toa tàu, hệ thống đường sắt từ nhà đầu tư trong nước sản xuất.
Khi có đơn hàng, nhà đầu tư trong nước có thể nhập khẩu máy móc và công nghệ về để sản xuất các toa tàu. Như vậy sẽ thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất trong nước, nguồn lực ngân sách sẽ đóng vai trò đỡ đầu cho sự ra đời của những ngành công nghiệp trong nước.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn:
Hình thành được quỹ đầu tư để có thêm nguồn lực
Việc cho phép đầu tư BT trở lại là phù hợp để thúc đẩy vai trò tư nhân trong phát triển hạ tầng giao thông. Qua đó, mở ra kênh đầu tư để hút vốn xã hội tham gia đầu tư các công trình hạ tầng thông qua hợp đồng BT giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư tư nhân.
Thông qua hợp đồng BT, Nhà nước sẽ tận dụng được kinh nghiệm của nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Hình thức đầu tư BT cũng tạo sức ép cạnh tranh giữa các nhà đầu tư tư nhân trong thực hiện dự án. Các nhà đầu tư phải đấu thầu cạnh tranh để trở thành nhà đầu tư cung cấp hạ tầng cho Nhà nước. Qua đó thúc đẩy tính hiệu quả trong phân bổ nguồn lực và tiết kiệm chi phí.
Hơn nữa, việc cơ quan nhà nước sử dụng ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư tư nhân sẽ tăng tính trách nhiệm giải trình của chính quyền trong việc cung cấp dịch vụ công.
Với hình thức đầu tư BT hiện nay, TP.HCM có thể sử dụng nhiều nguồn lực từ đấu giá đất, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, sử dụng ngân sách TP, nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thanh toán hợp đồng BT.
Điều đáng tiếc là sau dịch COVID-19, nguồn lực của nhiều doanh nghiệp tư nhân bị bào mòn nên nguồn lực của tư nhân bị cạn kiệt, khu vực tư nhân cần 3-5 năm để phục hồi. Hơn nữa, chúng ta đang có nhiều nhà thầu xây dựng nhưng lại không có những nhà đầu tư hạ tầng đúng nghĩa sẵn sàng tham gia các dự án BT.
Bên cạnh đó, chúng ta có các quỹ đầu tư chứng khoán nhưng lại không có những quỹ đầu tư hạ tầng tư nhân. Các quỹ đầu tư hạ tầng có thể phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ để kêu gọi vốn cổ phần của nhiều nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia đầu tư dự án cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nếu chúng ta có chính sách ưu đãi cho việc hình thành các quỹ đầu tư này như ưu đãi thuế thì sẽ có thêm nguồn lực, giảm áp lực huy động vốn từ ngân hàng.
Ông Hồ Minh Hoàng:
Ưu tiên doanh nghiệp vừa là nhà đầu tư vừa là nhà thầu
Để bảo đảm sự thành công của các dự án BT thời gian tới, TP.HCM cần ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp vừa có khả năng làm nhà đầu tư vừa có khả năng thi công công trình, như vậy thì nhà đầu tư mới kiểm soát được tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện, bảo đảm được chất lượng công trình.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư BT vừa có vốn làm dự án vừa thi công được công trình, nói cách khác là vừa làm nhà đầu tư vừa làm nhà thầu thi công dự án, hiện nay không nhiều.
Ông Hoàng Văn Cường:
Cơ chế mời gọi đầu tư quyết định thành công dự án
Vốn tư nhân đổ vào lĩnh vực hạ tầng nhiều hay không phụ thuộc rất lớn vào cơ chế mời gọi đầu tư của TP.HCM. Trong đó, vốn nhà nước có thể chỉ là phần vốn mồi thu hút đầu tư tư nhân. Đồng thời đây là cơ chế mà nhà đầu tư khi đầu tư vào TP có sự cam kết chắc chắn, ổn định nên tư nhân sẽ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư.
TTO - Chiều 18-6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), bỏ quy định về các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) ra khỏi luật.