Ngày 16/12, ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp công trình tuyến đường vành đai phía Tây, đoạn qua Khu công nghệ thông tin tập trung.
Theo đó, nhà thầu trúng thầu là liên danh do Tổng công ty xây dựng Trường Sơn làm liên danh chính.
Gói thầu này có giá hơn 67,3 tỷ đồng. Gía trúng thầu hơn 66,961 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp 60,664 tỷ và chi phí dự phòng 6,296 tỷ. Thời gian thực hiện hợp đồng 550 ngày.
Hiện nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cũng là chủ đầu tư Dự án đường vành đai phía Tây, đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1), có chiều dài hơn 19km, khởi công vào tháng 9/2018 với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc và sau 3 lần gia hạn tiến độ, dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Ngày 4/11, báo cáo trong buổi kiểm tra thực tế của ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông cho hay, thời gian qua, đơn vị thi công đã nỗ lực, tập trung nhân vật lực tăng ca, kíp để triển khai thi công công trình tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1).
Tiến độ thực hiện thực tế đoạn Km0-Km1 đáp ứng yêu cầu nhưng các phân đoạn còn lại đang chậm so với tiến độ yêu cầu. Nguyên nhân chính là còn 90 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu huyện Hòa Vang tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng và hỗ trợ đơn vị thi công theo hình thức cuốn chiếu.
Đồng thời, ông đề nghị Ban Quản lý dự án và đơn vị nhà thầu, là Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, tập trung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ, kịp bàn giao trước ngày 31/12/2023 theo cam kết với lãnh đạo thành phố.
Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn hiện tại cũng là nhà thầu tại Dự án Vành đai phía Tây 2. Dự án này dài 14,1 km, tổng vốn đầu tư 1.109 tỷ đồng, trong đó Gói thầu Xây lắp là 1.022 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 87 tỷ đồng từ nguồn vay của Quỹ Phát triển quốc tế OPEC. Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm Chủ đầu tư.
Đến nay, dọc theo chiều dài và hành lang tuyến Dự án mới chi đền bù, giải tỏa được 50 hồ sơ rồi “tắc nghẽn” do chi phí đền bù, giải tỏa tăng đột biến.
Cụ thể, từ ban đầu chỉ 87 tỷ đồng, kinh phí giải phóng mặt bằng đã tăng lên 1.887 tỷ đồng (gấp 20 lần). Không đủ nguồn vốn đối ứng từ địa phương nên dù đã ký hợp đồng xây lắp cả tuyến, Nhà thầu chỉ thi công được 4 km, đoạn còn lại hiện nay “treo” vô thời hạn.